Năng lượng: Giá dầu tăng tháng thứ tư liên tiếp
Tuần qua, giá cả hai loại giá dầu chủ chốt đều tăng mạnh và tháng Bảy ghi nhận tháng tăng giá thứ tư liên tiếp.
Phiên giao dịch cuối tuần 30/7 cũng là phiên cuối cùng của tháng Bảy, giá hai loại dầu chủ chốt tiếp nối đà tăng của hai ngày trước. Theo đó, giá dầu Brent giao tháng 9/2021 tiến thêm 0,4% lên 76,33 USD/thùng, ghi nhận mức tăng 3% nếu tính theo tuần, và tăng 1,6% trong cả tháng Bảy.
Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 9/2021 cũng tăng gần 0,5% và đóng cửa phiên ở mức 73,62 USD/thùng. Giá dầu WTI tăng 2,6% so với tuần trước, và tăng gần 0,7% so với giá đóng cửa của tháng Sáu.
Theo Lukman Otunuga, nhà quản lý và phân tích thị trường tại công ty môi giới trực tuyến FXTM (trụ sở tại CH Cyprus), giá dầu tăng do lo ngại nguồn cung thiếu hụt trong khi nhu cầu gia tăng.
Thị trường dầu tháng Bảy vừa qua đã chứng kiến biến động mạnh. Việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh ngoài khối, được gọi là OPEC+, không đạt được thỏa thuận chính sách vào đầu tháng này đã đẩy giá dầu lên mức cao mới trong năm 2021. Tuy nhiên, sau đó OPEC+ đã nhất trí tăng nguồn cung thêm 400.000 thùng/ngày từ tháng Tám, và điều này gây ra một đợt giảm giá dầu mạnh. Tuy vậy, một số chuyên gia phân tích cho là mức tăng đó không đủ để đáp ứng nhu cầu dự kiến phục hồi trong năm nay.
Dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, lượng dầu dự trữ của nước này đã giảm 4,1 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 23/7. Trong khi đó, lượng dầu lưu kho tại trung tâm Cushing, bang Oklahoma (Mỹ) tiếp tục đi xuống.
Tính tới chiều 27/7, kho lưu trữ của Cushing có 36,299 triệu thùng dầu, giảm 360.917 thùng so với ngày 23/7. Đây là lần giảm thứ bảy liên tiếp của trung tâm chuyên giao vận các hợp đồng năng lượng kỳ hạn Mỹ này.
Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao Phil Flynn thuộc công ty tư vấn và môi giới đầu tư The Price Futures Group (Mỹ), lo ngại về khả năng nhu cầu dầu mỏ có thể được xóa tan do các biện pháp phong tỏa đã bị thổi phồng. Thực tế là nhu cầu nhiên liệu đã tăng lên khi nền kinh tế mở cửa trở lại, thị trường đang chứng kiến nguồn cung thắt chặt, và vì thế nên giá dầu tăng mạnh như hiện nay.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) duy trì dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 6% cho năm 2021, nâng triển vọng đối với các nền kinh tế giàu nhưng lại hạ dự báo đối với các nước đang phát triển đang phải đối mặt với tình trạng số ca mắc COVID-19 gia tăng.
Tuy nhiên, biến thể Delta tiếp tục là yếu tố cản trở giá dầu. Số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng vào cuối tuần qua, với một số quốc gia báo cáo mức tăng kỷ lục hàng ngày và buộc mở rộng các biện pháp hạn chế để ngăn sự lây lan của dịch bệnh. Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, cũng ghi nhận sự gia tăng các ca mắc COVID-19.
Kim loại quý: Giá vàng tăng gần 3% trong tháng 7
Mặc dù giảm giá trong phiên cuối cùng của tháng Bảy, giá vàng vẫn ghi nhận mức tăng gần 1% trong tuần qua và gần 3% trong tháng 7 nhờ sức hấp dẫn như “hàng rào” chống lại lạm phát.
Trong hai phiên đầu tuần (26-27/7), hoạt động giao dịch trầm lắng do nhà đầu tư chờ đợi cuộc họp chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Phiên tiếp theo, 28,7, giá giảm nhẹ sau khi các quan chức Fed kết thúc cuộc họp và cho biết sự phục hồi kinh tế của Mỹ vẫn đi đúng hướng dù gia tăng số ca mắc COVID-19, đồng thời phát đi tín hiệu về những cuộc thảo luận xung quanh việc rút lại các chính sách kích thích kinh tế.
Phiên tiếp theo, giá hồi phục do phản ứng tích cực với những bình luận của Chủ tịch Fed Jerome Powell về lo ngại những rủi ro mà biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 gây ra sẽ ảnh hưởng lâu dài tới nền kinh tế Mỹ. Điều này có thể hạn chế sự phục hồi của thị trường lao động và khiến Fed sẽ không đẩy nhanh việc tăng lãi suất. Lãi suất tăng cao ảnh hưởng bất lợi tới vàng vì làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ kim loại quý không sinh lời này.
Phiên cuối tuần (30/7), giá vàng giảm do USD mạnh lên. Theo đó, phiên 30/7/2021 kết thúc với việc giá vàng giao ngay giảm 0,8% xuống 1.814,00 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 8/2021 giảm 1% xuống 1.817,20 USD/USD, chấm dứt đà hồi phục ngắn ngủi của giá vàng. sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trấn an rằng hiện tại chưa xem xét vấn đề tăng lãi suất.
Phiên 30/7, dollar index tăng 0,3%, làm giảm sức hấp dẫn của vàng đối với những nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác. Trước đó, trong mấy phiên liên tiếp, chỉ số này giảm xuống thấp nhất trong vòng một tháng.
Thống kê mới nhất do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 30/7 cho thấy chi tiêu tiêu dùng của nước này tăng cao hơn dự kiến trong tháng 6/2021 nhờ các chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 mở rộng.
Tuy nhiên, một phần sự gia tăng chi tiêu cũng phản ánh tình hình giá tăng cao hơn, với lạm phát hàng năm vượt mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - không bao gồm các giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động - tăng 0,4% trong tháng Sáu sau khi tiến 0,5% trong tháng Năm. So với cùng kỳ năm 2020, PCE của Mỹ đã tăng 3,5% - mức tăng lớn nhất kể từ tháng 12/1991 và vượt mức 3,4% của tháng Năm.
Chỉ số đồng USD đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với một giỏ gồm các đồng tiền chủ chốt khác giảm 0,8% trong tuần vừa qua. Nếu đồng bạc xanh tiếp tục suy yếu trong những ngày tới và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ vẫn giảm, nhiều khả năng giá vàng sẽ vượt qua ngưỡng kháng cự hiện tại.
Fawad Razaqzada, nhà phân tích thị trường tại công ty môi giới ThinkMarkets (trụ sở ở Anh và Australia) cho rằng cần theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch COVID-19 bởi nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn thì có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và chính sách của Fed.
Các nhà đầu tư đang theo dõi cách Fed cân bằng giữa việc lạm phát gia tăng và mối nguy đối với nền kinh tế ngày càng lớn từ đại dịch COVID-19, trước sự hoành hành của biến thể Delta.
Trong tuần tới, báo cáo về việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ có thể là tâm điểm sự chú ý của các nhà giao dịch vàng, vì số liệu này có thể ảnh hưởng đến quyết định của Fed về lộ trình giảm dần chương trình nới lỏng định lượng.
Kim loại công nghiệp: Giá kim loại cơ bản và thép tăng, song giá quặng sắt giảm
Giá nhôm phiên cuối tuần tăng lên mức cao nhất trong vòng hơn 3 năm do lo ngại nguồn cung suy giảm ở nhà máy sản xuất hàng đầu Trung Quốc sau khi xảy ra tình trạng mất điện trên điện rộng ở tỉnh sản xuất kim loại của nước này – Vân Nam.
Theo đó, giá nhôm kỳ hạn giao sau 3 tháng tên sàn London tăng 0,1% lên 2.593 USD/tấn, kết thúc tháng tăng thứ 6 liên tiếp. Trong phiên, có thời điểm giá đạt 2,642, mức cao nhất kể từ tháng 4 năm 2018, trước khi chỉ số đô la Mỹ đảo chiều và chuyển sang vùng dương, khiến kim loại được định giá bằng USD trở nên đắt hơn đối với người mua sử dụng các loại tiền tệ khác. Dự trữ nhôm tại các kho của LME đã giảm gần 1/3 kể từ tháng 3 xuống còn 1,39 triệu tấn.
Giá kẽm phiên 30/7 cũng tăng bởi tình trạng mất điện sau đợt mưa lũ ở tỉnh Vân Nam, nơi có một số nhà máy kẽm lớn. Theo đó, kẽm kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 0,9% lên 3.025 USD/tấn.
Giá đồng cùng phiên giảm 1% xuống 9,725 USD/tấn, nickel giảm 1,5% xuống 19,545 USD trong khi chì tăng 0,6% lên 2,378,50 USD, thiếc giảm 0,3% xuống còn 34.795 USD sau khi đạt kỷ lục 35.075 USD.
Nhìn chung, các kim loại cơ bản đều tăng giá trong tháng 7.
Trong nhóm kim loại đen, giá quặng sắt giảm trong phiên giao dịch vừa qua do những chính sách của Trung Quốc nhằm giảm sản lượng thép và hạ nhiệt giá vật liệu xây dựng và sản xuất.
Giá quặng sắt giao dịch trên sàn Đại Liên kết thúc phiên 30/7 giảm mạnh, mất 8,1%, xuống 1.027 CNY (158,95 USD)/tấn, tính chung cả tháng 7 đã giảm 8%, mức giảm nhiều nhất kể từ tháng 2 năm 2020; quặng sắt trên sàn Singapore giảm 7,7% xuống 175,95 USD/tấn, giảm 16% trong vòng một tháng.
Trong khi đó, giá thép đồng loạt tăng trong phiên này, thép cây giao dịch trên sàn Thượng Hải tăng 1% lên 5.705 CNY/tấn; thép cuộn cán nóng (HRC) tăng 3,1% lên 6.120 CNY/tấn; thép không gỉ cũng tăng 3,1% lên 20.065 CNY/tấn.
Nông sản: Giá cà phê, ngô và đậu tương tăng, đường và lúa mì giảm
Phiên cuối cùng của tháng 7, giá ngô và đậu tương Mỹ giảm khoảng 2% do hoạt động bán tháo kỹ thuật và bán thanh lý kéo dài vào cuối tuần cũng như cuối tháng, và do một phần của vành đai trồng ngô ở Mỹ đã có mưa, giúp cho cây trồng phát triển.
Giá lúa mì kết thúc phiên 30/7 giảm nhẹ, nhưng tính chung cả tháng ghi nhận mức tăng.
Kết thúc phiên này, giá ngô kỳ hạn tháng 12 trên sàn Chicago giảm 11-1/4 cent xuống 5,45-1/4 USD/bushel; đậu tương kỳ hạn tháng 11 giảm 28-1/2 cent xuống 13,49-1/4 USD/bushel, tính chung cả tháng cũng tưng; lúa mì kỳ hạn tháng 9 giảm 1-1/2 cent xuống còn 7,03-3/4 USD/bushel, tính chung cả tháng 7 giảm.
Ở các khu vực Nam Dakota, Minnesota và bắc Iowa hôm qua đã có mưa, và một số dự báo cho thấy sắp tới sẽ có nhiều mưa hơn nữa, giúp cho cây trồng của những khu vực này phát triển tốt.
Giống như cà phê, giá đường tháng 7 biến động mạnh do thời tiết ở Brazil. Giá đường thô kỳ hạn tháng 10 kết thúc phiên 30/7 giảm 0,39%, tương đương 2,1%, xuống 17,91 cent/lb. Đường trắng giao tháng 10 cũng giảm 5,70 USD, tương đương 1,3%, xuống 445,70 USD/tấn. Tính chung trong tháng 7, giá đường giảm mặc dù có nhiều phiên tăng khá mạnh.
Mặc dù giảm mạnh trong phiên này, song giá arabica vẫn tăng 12% trong tháng 7, và tăng 55% so với một năm trước đây, do thời tiết bất lợi làm giảm sản lượng trong năm 2021 và dự kiến sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới sản lượng trong năm tới.
Giá dầu cọ Malaysia tăng tuần thứ 6 liên tiếp, mặc dù giảm ở phiên thứ Sáu (30/7) do giá tăng trước đó tác động đến nhu cầu. Dầu cọ kỳ hạn tháng 10 trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa Malaysia giảm 1,26% xuống 4.371 ringgit (1.036,27 USD)/tấn. Tính chung cả tuần qua, giá tăng hơn 2%. Tình trạng thiếu lao động đang ảnh hưởng đến ngành dầu cọ Malaysia. Bên cạnh đó, thị trường này còn bị ảnh hưởng bởi biến động giá các loại dầu thực vật khác.
Giá cà phê arabica kỳ hạn tương lai trên sàn ICE kết thúc phiên 30/7 giảm mạnh do băng giá đêm qua tại Brazil – nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới – không nghiêm trọng và trên diện rộng như một số dự kiến.
Theo đó, cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 giảm 16,95 cent, tương đương 8,6%, xuống 1,7955 USD/lb, lùi xa mức cao nhất gần 7 năm, là trên 2 USD, đạt được vào tuần trước. Giá cà phê robusta giao tháng 9 giảm 99 USD, tương đương 5,3%, xuống 1.786 USD/tấn.
Nhiệt độ giảm trên khắp Brazil vào thứ Năm (29/7) và thứ Sáu (20/7) - với tuyết rơi lác đác lúc đêm ở một số nơi - khi một khối không khí từ vùng cực tiến về phía trung nam của đất nước, đe dọa gây hại cho cây cà phê và mía.
Tuy nhiên, vụ mùa tiếp theo của Brazil chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng do cây cối đã bị thiệt hại trong những đợt băng giá vừa qua.
Giá bông trên sàn ICE (Mỹ) vừa kết thúc tháng tăng giá mạnh nhất kể từ tháng 4/2021 do nhu cầu ổn định trên toàn cầu, mực dù giảm mạnh trong phiên cuối tháng. Theo đó, bông kỳ hạn tương lai giảm 1,02 US cent, tương đương giảm 1,1% so với phiên trước, xuống 89,29 cent/lb, sau đã giảm 1,6% ở phiên liền trước, do USD mạnh lên. Tuy nhiên, tính chung cả tháng 7, giá bông đã tăng khoảng 5%
Giá cao su giao dịch tai Nhật Bản tăng trong phiên 30/7, tính chung cả tuần tăng mạnh nhất hơn 5 tháng do kỳ vọng nhu cầu tăng nhờ kinh tế toàn cầu hồi phục. Trên sàn Osaka, giá cao su kỳ hạn tương lai tăng 1,6% lên 219,3 yên (2,00 USD)/kg. Tính chung cả tuần, giá tăng 4,5%, nhiều nhất kể từ giữa tháng Hai. Trên sàn Thượng Hải, giá cao su kỳ hạn tháng 9 tăng 1,3% lên 13.420 CNY (2.078,94 USD)/tấn.
Giá hàng hóa thế giới
Nguồn: VITIC / Reuters, Bloomberg