icon icon icon
 

THỊ TRƯỜNG THÁNG 6/2021: DẦU TĂNG, VÀNG CÓ THÁNG GIẢM MẠNH NHẤT 4 NĂM, QUẶNG SẮT TĂNG 7 QUÝ LIÊN TIẾP

2023-01-14 14:05:30

Kết thúc phiên giao dịch cuối tháng giá dầu tăng sau khi tồn kho dầu thô của Mỹ giảm 6 tuần liên tiếp, vàng có tháng tồi tệ nhất trong hơn 4 năm trong khi quặng sắt có quý thứ 7 tăng giá liên tiếp, ngô, đậu tương tăng mạnh khi diện tích trồng trọt ít hơn dự kiến.Dầu tăng


Giá dầu tăng, hướng tới sự gia tăng trong tháng 6 và quý 2, sau khi tồn kho dầu thô của Mỹ giảm tuần thứ 6 liên tiếp và một báo cáo của OPEC dự báo thị trường thiếu cung trong năm nay.

Chốt phiên 30/6, dầu thô Brent kỳ hạn tháng 8, hết hạn trong phiên này tăng 37 US cent hay 0,5% lên 75,13 USD/thùng. Hợp đồng kỳ hạn tháng 9 tăng 34 US cent lên 74,62 USD/thùng. Dầu thô WTI tăng 49 US cent hay 0,7% lên 73,47 USD/thùng.

Cả hai loại dầu này đã ghi nhận tăng tháng thứ 7 trong 8 tháng qua. WTI tăng hơn 10% trong tháng 6 trong khi dầu Brent tăng hơn 8%.

Một thăm dò của Reuters cho thấy dầu Brent đạt trung bình 67,48 USD/thùng trong năm nay và WTI đạt 64,54 USD/thùng, cả hai đều tăng so với thăm dò trong tháng 5.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ tồn kho dầu thô của nước này giảm trong tuần trước, giảm tuần thứ 6 liên tiếp do các nhà máy lọc dầu tăng cường hoạt động để đáp ứng với nhu cầu ngày càng tăng. Tồn trữ tại Cushing, Oklahoma, điểm phân phối dầu WTI đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh gọi là OPEC+ sẽ họp vào ngày 1/7 để bàn luận về việc kéo dài thỏa thuận cắt giảm nguồn cung dầu sau tháng 4/2022.

Một báo cáo nội bộ của OPEC cho thấy thị trường dầu sẽ thiếu hụt trong ngắn hạn nhưng tình trạng dư thừa xuất hiện khi việc cắt giảm nguồn cung của OPEC+ kết thúc.

Goldman Sachs dự báo nhu cầu sẽ tăng thêm 2,2 triệu thùng vào cuối năm 2021, khiến nguồn cung thiếu hụt 5 triệu thùng.

Vàng có tháng tồi tệ nhất trong hơn 4 năm


Giá vàng tăng trong phiên qua nhưng có tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2016, do các nhà đầu tư thận trọng trước số liệu việc làm sắp tới của Mỹ có thể làm gia tăng lo ngại về việc Cục dự trữ liên bang Mỹ nới lỏng mua tài sản.

Vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.768,78 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 8 đóng cửa tăng 0,5% lên 1.771,6 USD/ounce.

Chỉ số USD tăng 0,4% khiến vàng đắt hơn cho người giữ các đồng tiền khác.

Ngoài ra, các quan chức của Fed tái khẳng định họ sẽ tăng lãi suất trong năm 2023 cũng như bắt đầu giảm việc mua trái phiếu.

Sức hấp dẫn của vàng là một biện pháp phòng ngừa lạm phát sẽ vẫn còn nguyên vẹn khi lạm phát sẽ có thể tồn tại lâu dài hơn bất chấp việc thay đổi chính sách của Fed.

Đồng có tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020

Đồng có tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020 do USD mạnh lên, mối đe dọa chính sách tiền tệ thắt chặt hơn của Mỹ và động thái kiềm chế giá của Trung Quốc.

Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 0,8% lên 9.410 USD/tấn, nhưng giảm hơn 8% trong tháng 6.

Tuy nhiên, kim loại này vẫn tăng khoảng 7% trong quý 2, quý thứ 5 liên tiếp giá tăng, sau khi đạt mức cao kỷ lục 10.747,5 USD/tấn trong ngày 10/5.

Nhiều nhà phân tích cho biết nhu cầu đồng gia tăng trong cơ sở hạ tầng và điện khí hóa sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt và giá tăng trong những năm tới.

Tăng trưởng trong hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 6 giảm xuống mức thấp nhất 4 tháng. Số liệu khác cho thấy trong tháng 5 sản lượng công nghiệp của Nhật Bản giảm mạnh nhất một năm và Hàn Quốc giảm từ tháng 4.

Sản lượng công nghiệp của Chile tăng 8,9% trong tháng 5 so với cùng tháng năm trước và sản lượng đồng giảm 0,4% xuống 493.420 tấn.

USD có tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2016, điều này gây thiệt hại cho kim loại khiến chúng đắt hơn cho người mua bằng các đồng tiền khác.

Trung Quốc đang bán đồng, nhôm và kẽm từ kho dự trữ nhà nước như một phần cam kết kiểm soát sự gia tăng của giá cả hàng hóa.

Morgan Stanley dự báo đồng sẽ đạt trung bình trên 9.000 USD/tấn trong những tháng còn lại năm nay.

Quặng sắt có 7 quý tăng liên tiếp

Giá quặng sắt Đại Liên thiếp lập quý tăng thứ 7 liên tiếp, mặc dù lợi nhuận của các nhà máy thép Trung Quốc giảm gây áp lực lên giá trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6.

Quặng sắt giao tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa giảm 0,7% xuống 1.165 CNY (180,5 USD)/tấn, giảm 14,2% so với mức cao kỷ lục trong ngày 12/5.

Tuy nhiên, quặng sắt Đại Liên kết thúc quý với mức tăng khoảng 20%, bởi giá tăng kỷ lục trong tháng 5.

Nhu cầu nguyên liệu thô mạnh mẽ ở Trung Quốc, nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới đã đẩy giá quặng sắt cao kỷ lục đồng thời giá tăng cũng do đầu cơ quá mức trên thị trường.

Các nhà phân tích cho biết nguyên liệu thô đắt đỏ kết hợp với nhu cầu sản phẩm thép yếu ở Trung Quốc hiện nay đang đè nặng lên lợi nhuận của các nhà sản xuất thép.

Tuy nhiên, hợp đồng quặng sắt giao tháng 8 tại Singapore giữ ở mức 201,9 USD/tấn.

Giá quặng sắt giao ngay hàm lượng 62% Fe ở mức 215 USD/tấn trong ngày 29/6, theo công ty tư vấn SteelHome.

Thép thanh dùng trong xây dựng tại Thượng Hải đóng cửa tăng 0,9% trong khi thép cuộn cán nóng tăng 1,1%. Thép không gỉ tăng 1,7%.

Cao su Nhật Bản xuống thấp nhất 2,5 tháng

Giá cao su Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất 2,5 tháng, giảm phiên thứ 3 liên tiếp do lo ngại số ca nhiễm Covid-19 đang tăng trên toàn cầu và nguồn cung tăng sau mùa đông khô hạn.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 12 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 5,7 JPY hay 2,5% xuống 226,3 JPY (2,1 USD)/kg, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 14/4 tại 225,8 JPY trong phiên này. Hợp đồng này đã mất 7,9% trong tháng 6 sau khi tăng trong hai tháng trước đó.

Cao su giao tháng 9 tại Thượng Hải giảm 190 CNY xuống 12.800 CNY (1.982 USD)/tấn.

Các nhà đầu tư lo lắng rằng giá sẽ giảm hơn nữa do thiếu người mua đặc biệt từ Trung Quốc, tại một thời điểm khi nguồn cung đang tăng sau mùa đông.

Sản lượng cao su có thể tăng sau mùa đông khô hạn, khi cây rụng lá. Mùa đông ở Đông Nam Á kéo dài từ tháng 2 tới tháng 5.

Đường tăng 2%

Đường thô kỳ hạn tháng 10 đóng cửa tăng 0,35 US cent hay 2% lên 17,89 US cent/lb.

Sương giá đã ảnh hưởng tới các khu vực trồng mía tại Sao Paulo, miền nam Mato Grosso do Sul và miền bắc Parana, có thể tiếp tục gây thiệt hại cho mùa màng.

Tuy nhiên phải mất vài ngày để đánh giá tác động tới những cánh đồng mía và có thể ước tính thiệt hại.

Đường trắng kỳ hạn tháng 8 tăng 15,3 USD hay 3,5% lên 447,7 USD/tấn.

Cà phê diễn biến trái chiều

Cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 đóng cửa giảm 0,45 US cent hay 0,3% xuống 1,5975 USD/lb, giảm nhẹ trở lại sau khi tăng lên mức cao nhất ba tuần trong phiên trước đó.

Các đại lý đang cố gắng đánh giá mức độ thiệt hại bởi sương giá ở Brazil. Các nhà môi giới tại nước này nghĩ hầu hết cà phê sẽ không bị thiệt hại do khối không khí lạnh sẽ yếu đi khi tới các vùng trồng chính ở bang Minas Gerais.

Cà phê robusta kỳ hạn tháng 9 tăng 30 USD hay 1,8% lên 1.705 USD/tấn.

Ngô, đậu tương tăng

Ngô và đậu tương trên sàn giao dịch Chicago tăng sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính diện tích trồng và tồn kho ít hơn dự kiến.

Ngô tăng theo giới hạn áp đặt giao dịch hàng ngày sau khi USDA chốt diện tích trồng ở mức 92,692 triệu mẫu, thấp hơn ước tính 93,787 triệu mẫu của các nhà phân tích. Diện tích trồng đậu tương là 87,555 triệu mẫu so với dự đoán 88,955 triệu mẫu.

Ước tính của Mỹ làm dấy lên lo ngại về nguồn cung toàn cầu khi hàng tồn kho ở mức thấp và các khu vực trồng trọt ở Bắc và Nam Mỹ đang phải vật lộn với thời tiết bất lợi.

Ngô CBOT kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tăng mức giới hạn 40 US cent lên 5,88-1/2 USD/bushel. Mức giới hạn sẽ tạm thời nới rộng lên 60 US cent trong ngày 1/7.

Đậu tương kỳ hạn tháng 11 tăng 86-1/2 US cent lên 13,99 USD/bushel và đạt giá cao nhất trong hơn 2 tuần. Lúa mì kỳ hạn tháng 9 đóng cửa tăng 33-1/4 US cent lên 6,79-1/2 USD/bushel.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 01/7

 

Minh Quân

Theo Trí thức trẻ

Nguồn: https://cafef.vn/thi-truong-thang-6-2021-dau-tang-vang-co-thang-giam-manh-nhat-4-nam-quang-sat-tang-7-quy-lien-tiep-20210701071730218.chn