Hành khách đi tàu điện ngầm ở London, Anh hôm 25/8 - Ảnh: Bloomberg.
Những làn sóng lây nhiễm sẽ khiến các trường học phải đóng cửa. Người già trong các trại dưỡng lão sẽ đối mặt nguy cơ lây nhiễm mới. Người lao động sẽ phải cân nhắc về mối nguy hiểm của việc quay trở lại văn phòng làm việc. Và các bệnh viện có thể một lần nữa rơi vào tình trạng quá tải.
Giới chuyên gia đồng tình với quan điểm cho rằng hầu hết mọi người hoặc đều đã nhiễm Covid hoặc đã được tiêm vaccine hoặc cả hai trước khi đại dịch có thể kết thúc. Một số ít người kém may mắn hơn có thể mắc Covid nhiều hơn một lần. Những làn sóng lây nhiễm nối tiếp nhau sẽ dẫn tới sự xuất hiện của những biến chủng mới và nỗ lực nhằm tiêm vaccine cho cả thế giới sẽ không thể kết thúc cho tới khi Sars-CoV2 đã chạm đến gần như tất cả mọi người.
Theo hãng tin Bloomberg, đó là tất cả những gì có thể diễn ra - theo cảnh báo của các nhà khoa học.
“NGỌN LỬA VIRUS SẼ KHÔNG DỪNG LẠI”
“Tôi nhận thấy những đợt bùng dịch liên tiếp sẽ diễn ra trên khắp thế giới”, ông Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và chính sách thuộc Đại học Minnesota, một cố vấn của Tổng thống Mỹ Joe Biden, nhận định. “Sau đó, đại dịch sẽ đi xuống, thậm chí có thể giảm theo chiều dốc đứng. Nhưng tôi cho rằng chúng ta rất dễ phải đương đầu với một làn sóng lây nhiễm nữa trong mùa thu và mùa đông năm nay”.
Kiểm tra tình trạng tiêm chủng tại cửa một quán bar ở San Francisco, Mỹ hôm 24/8 - Ảnh: Bloomberg.
Đến nay, hàng tỷ người trên thế giới vẫn chưa tiêm vaccine và cơ hội tiêu diệt hoàn toàn Covid là gần như không có. Bởi vậy, sự lây nhiễm tại các lớp học, trên các phương tiện giao thông công cộng, tại các nhà máy, công xưởng, văn phòng là điều gần như chắc chắn trong những tháng tới, nhất là khi các nền kinh tế cố gắng mở cửa trở lại. Ngay cả khi tỷ lệ tiêm chủng có tăng lên, vẫn luôn có những người dễ bị tổn thương như trẻ sơ sinh, những người không thể hoặc không muốn tiêm vaccine, những người đã tiêm vaccine nhưng vẫn mắc Covid do mức độ bảo vệ của vaccine ở họ giảm xuống.
Do đó, mấy tháng tới sẽ là khoảng thời gian không dễ dàng. Một rủi ro lớn là nếu xuất hiện những biến chủng có khả năng kháng vaccine cao, và đây không phải là rủi ro duy nhất.
“Số ca nhiễm mới vẫn sẽ tăng rồi giảm, ít nhất trong vài năm tới đây, cho tới khi chúng ta có thêm vaccine. Việc tiêm chủng sẽ giúp chống lại virus. Nhưng thách thức ở đây là: những đợt bùng dịch sẽ lớn như thế nào và cách nhau bao lâu”, ông Osterholm nói. “Chúng ta đều không biết điều đó. Chỉ có một điều tôi có thể nói với các bạn: đây là một trận cháy rừng và ngọn lửa virus sẽ không dừng lại cho tới khi tìm được tất cả những người nó có thể tấn công”.
5 đại dịch cúm được ghi chép đầy đủ trong 130 năm qua có thể giúp thế giới dự báo được Covid sẽ diễn biến thế nào, theo nhà dịch tễ học Lone Simonsen thuộc Đại học Roskilde ở Đan Mạch. Theo bà Simonsen, đại dịch cúm toàn cầu dài nhất đã diễn ra trong 5 năm, nhưng phần lớn các trận dịch thường gồm 2-4 đợt bùng dịch lớn và kéo dài từ 2-3 năm. Covid đang chứng tỏ là một đại dịch nghiêm trọng hơn, và đến năm thứ hai này, Covid đã gây ra 3 đợt bùng dịch lớn trên toàn cầu và đợt dịch thứ ba vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.
Rất có thể Covid không đi theo mô hình của các đại dịch trước. Xét cho cùng, đây là một virus mới và có khả năng lây nhiễm cao hơn. Với hơn 4,6 triệu ca tử vong tính đến thời điểm này, Covid đã gây thiệt hại sinh mạng lớn gấp trên hai lần so với bất kỳ đại dịch nào kể từ đại dịch cúm Tây Ban Nha 1918.
CÓ THỂ PHẢI TIÊM VACCINE COVID ĐỊNH KỲ
Dù đã vượt qua những đợt bùng dịch tồi tệ đầu tiên và đã đạt tới tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao, những nước gồm Mỹ, Anh, Nga và Israel vẫn đang đối mặt với số ca nhiễm mới cao kỷ lục. Tiêm chủng giúp giảm nguy cơ ốm nặng và tử vong, nhưng làn sóng ca nhiễm đồng nghĩa với việc virus đang tấn công vào những người trẻ và những người chưa tiêm vaccine, làm gia tăng tỷ lệ mắc ở những đối tượng này.
Những nước có tỷ lệ tiêm chủng còn thấp, như Malaysia, Mexico, Iran và Australia đang ở trong đợt dịch tồi tệ nhất, do biến chủng Delta lây lan nhanh. Chừng nào virus còn hoành hành trên toàn cầu, thì các biến chủng mới hoàn toàn có thể xuất hiện.
Lịch sử cho thấy có một quan niệm phổ biến rằng các loại virus sẽ tự động yếu đi theo thời gian, nhằm tránh xoá sạch số lượng vật chủ. Nhưng bà Simonsen nói quan niệm này là sai lầm. Các đột biến mới của virus không phải lúc nào cũng nghiêm trọng hơn đột biến trước, nhưng “trên thực tế, các đại dịch đều có thể diễn biến theo chiều hướng xấu đi theo thời gian, vì virus thích nghi với vật chủ mới”, bà nói.
Các chuyên gia nhìn chung đồng tình với quan điểm rằng đại dịch này sẽ dịu đi nếu hầu hết mọi người, vào khoảng 90-95% dân số toàn cầu, có một mức độ miễn dịch nhất định nhờ đã được tiêm chủng hoặc từng mắc Covid.
Ở thời kỳ đầu của đại dịch Covid-19, thế giới hy vọng rằng vaccine sẽ mang tới sự bảo vệ lâu dài giống như mũi tiêm ngừa bại liệt cho trẻ nhỏ.
Sars-CoV2 có một cơ chế “đọc kiểm” (proof-reading) để sửa những lỗi di truyền khi virus nhân lên, theo đó giảm nguy cơ xuất hiện những biến chủng mới khi virus lây từ người sang người. Tuy nhiên, số ca nhiễm trên toàn cầu lớn đến nỗi các đột biến vẫn xuất hiện.
“Mức độ lây nhiễm của đại dịch này quá mạnh. Điều này chống lại khả năng đọc kiểm của virus”, ông Kanta Subbarao, Giám đốc Trung tâm Tham khả và nghiên cứu về bệnh cúm thuộc Viện Truyền nhiễm và miễn dịch Peter Doherty ở Melbourne, nói với Bloomberg.
Điều này có nghĩa là, Covid có thể giống như bệnh cúm, đòi hỏi việc phải tiêm vaccine nhắc lại định kỳ để duy trì tác dụng chống bệnh, vì virus không ngừng tiến hoá.
Một số nhà nghiên cứu đã nói rằng đến một thời điểm nào đó, Sars-CoV2 có thể trở nên hoàn toàn kháng lại thế hệ vaccine đầu tiên. Một nghiên cứu từ Nhật Bản cho rằng những đột biến có thể nguy hiểm ở biến chủng Delta đang tăng lên trong cơ cơ sở dữ liệu toàn cầu theo dõi vấn đề này. Đã có những bằng chứng về việc các biến chủng hiện có của virus làm giảm tác dụng của vaccine và gây tỷ lệ tử vong cao hơn.
“Đây là một kịch bản mà chúng ta đều hy vọng sẽ không xảy ra”, bà Simonsen nói. “Nếu điều đó xảy ra, chúng ta sẽ phải làm lại từ đầu”.
BAO GIỜ ĐẠI DỊCH KẾT THÚC?
Những khả năng khác thậm chí tồi tệ hơn trong những tháng tới bao gồm sự xuất hiện của một virus cúm mới hoặc một virus corona khác lây lan từ động vật sang người. “Chừng nào còn động vật cho virus corona cư trú, chừng đó vẫn còn khả năng một virus corona khác có thể xuất hiện trong tương lai. Trong trường hợp đó, thế giới đối mặt nguy cơ vừa phải chống chọi với virus này vừa phải đương đầu với một virus mới”.
Như vậy, có một điều rõ ràng là đại dịch Covid-19 khó kết thúc trong vòng 6 tháng tới đây. Các chuyên gia nhìn chung đồng tình với quan điểm rằng đại dịch này sẽ dịu đi nếu hầu hết mọi người, vào khoảng 90-95% dân số toàn cầu, có một mức độ miễn dịch nhất định nhờ đã được tiêm chủng hoặc từng mắc Covid.
Bởi vậy, theo các nhà khoa học, vấn đề quan trọng nhất vẫn là tiêm vaccine.
“Không có tiêm chủng, ai cũng có thể bị virus tấn công, vì virus này lây nhanh và sẽ tìm đến hầu hết mọi người trong mùa thu đông năm nay”, bà Simonsen phát biểu.
Chôn cất một bệnh nhân Covid tử vong ở Selangor, Malaysia, hôm 30/8 - Ảnh: Bloomberg.
Hơn 5,66 tỷ liều vaccine Covid đã được tiêm trên thế giới tính đến hiện tại, theo dữ liệu của Bloomberg. Nhưng thành công tiêm chủng ở một số khu vực như Liên minh châu Âu (EU), Bắc Mỹ và Trung Quốc đã che giấu thất bại ở những nơi khác. Hầu hết các nước châu Phi mới chỉ tiêm được đủ 2 mũi vaccine cho chưa đầy 5% dân số. Ở Ấn Độ, tỷ lệ này đạt khoảng 26%.
Theo phó giáo sư Erica Charters thuộc Đại học Oxford, đại dịch sẽ kết thúc vào thời điểm khác nhau ở những nơi khác nhau. Các chính phủ sẽ phải quyết định mức độ của dịch bệnh mà họ có thể chấp nhận sống chung.
Chiến lược của các quốc gia hiện có nhiều khác biệt: một số nước muốn triệt tiêu Covid, nhưng thế giới khó có thể xoá bỏ hoàn toàn virus này. Nhiều nước như Đan Mạch và Singapore đã kiểm soát tương đối tốt số ca nhiễm và đang tiến tới một tương lai “hậu đại dịch” bằng cách dần gỡ bỏ các kiểm soát. Một số khác, như Mỹ và Anh đang mở cửa trở lại dù số ca nhiễm gần kỷ lục. Trung Quốc, Hồng Kông và New Zealand vẫn đang cố gắng đưa số ca nhiễm trong cộng đồng về 0.
“Quá trình kết thúc của đại dịch sẽ không đồng nhất trên thế giới”, bà Charters nói. Đại dịch này “là một hiện tượng sinh học, nhưng cũng là một hiện tượng chính trị và xã hội. Ngay cả ở thời điểm này, chúng ta có những phương pháp tiếp cận khác biệt với đại dịch”.
Nói cách khác, Covid sẽ gây ra một mớ hỗn độn, để lại hệ quả lâu dài cho thế giới trong những năm tới. Cho tới khi đại dịch kết thúc, phần lớn người dân trên thế giới sẽ phải qua nhiều tháng nữa sống trong sự “kìm kẹp” của những đợt bùng dịch.
“Chúng ta phải tiếp cận với virus bằng tất cả sự cảnh giác và thận trọng”, ông Osterholm cảnh báo. “Bất kỳ ý nghĩ nào cho rằng đại dịch sẽ kết thúc sau vài ngày, vài tháng nữa đều là sai lầm nghiêm trọng”.
Nguồn: http://vneconomy.vn/bao-gio-the-gioi-thoat-dai-dich-covid-19.htm