icon icon icon
 

Xuất siêu hơn 20 tỷ USD trong 8 tháng

2023-08-30 09:29:41

Đà sụt giảm xuất nhập khẩu đang tiếp tục chậm lại. Tính chung 8 tháng, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu hơn 20 tỷ USD.

Sáng nay (29/8), Tổng cục Thống kê công bố báo cáo kinh tế xã hội tháng 8 và 8 tháng năm 2023.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 8 tháng qua tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt hơn 435 tỷ USD, giảm khoảng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sản xuất công nghiệp tháng 8 tiếp tục xu hướng tích cực hơn, tăng 2,9% so với tháng trước. Tuy nhiên, tính chung 8 tháng, sản xuất công nghiệp giảm 0,4% so với cùng kỳ.

Xuất siêu hơn 20 tỷ USD trong 8 tháng - Ảnh 1.

Sản xuất công nghiệp tháng 8 tiếp tục xu hướng tích cực. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Cả nước có trên 149.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Trong khi đó, có trên 124.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng... tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế, ước đạt hơn 4 triệu tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2022.

Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục tăng cao

Một trong những điểm sáng được ghi nhận nổi bật trong bức tranh kinh tế 8 tháng qua là thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký đạt trên 18 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết, 8 tháng đầu qua, không chỉ tổng vốn đầu tư nước ngoài tăng, mà các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân vốn thực hiện cũng tăng cao.

Vừa hoàn thành và đi vào hoạt động một nhà máy điện tử tiêu dùng quy mô vốn 100 tỷ đồng, nhận thấy môi trường kinh doanh tại Việt Nam phù hợp, Công ty Inventec Appliances tiếp tục rót vốn vào một dự án lớn hơn nhiều đặt tại khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội.

"Tổng vốn đầu tư là 5.000 tỷ thực hiện trong 5 năm. Giai đoạn 1 của kế hoạch chúng tôi đầu tư 1.000 tỷ đồng để xây dựng nhà xưởng, máy móc và thiết bị", ông Cheng Ming Chun, Giám đốc cấp cao, Công ty Inventec Appliances, cho biết.

Hà Nội và Hải Phòng là hai địa phương ghi nhận lượng vốn FDI vượt mốc 2 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm, dẫn đầu cả nước. Trong khi Hà Nội tận dụng lợi thế là trung tâm kinh tế - tài chính lớn, Hải Phòng phát triển quỹ đất công nghiệp và xây dựng hạ tầng khu công nghiệp để đón nhà đầu tư.

"TP Hà Nội là địa điểm phát triển về lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Điển hình nhà đầu tư Nhật Bản góp vốn mua cổ phần vào một ngân hàng trên địa bàn thành phố, làm tăng tổng vốn thu hút đầu tư của Hà Nội", ông Nguyễn Ngọc Tú, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, cho hay.

"Thành công trong việc xúc tiến đầu tư tại chỗ, ở đó các doanh nghiệp thấy rằng Hải Phòng là vùng đất có thể đầu tư hấp dẫn, có thể sản xuất sinh lời, vì vậy họ quyết định đầu tư thêm", ông Nguyễn Hoàng Long, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng, thông tin.

Các nhà đầu tư Mỹ nằm trong top các quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, đánh giá cao việc đầu tư vào Việt Nam.

"Việt Nam ngày càng được coi là một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư Mỹ. Chúng tôi tin rằng yếu tố quan trọng nhất để tạo môi trường đầu tư thuận lợi là một môi trường công bằng, có thể dự đoán trước được và khung pháp lý đặt trọng tâm vào sự đổi mới", ông Adam Sitkoff, Giám đốc Điều hành, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Hà Nội, đánh giá.

Trong 8 tháng đầu năm nay, giải ngân vốn FDI đạt hơn 13 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Các nhà đầu tư nước ngoài cũng bày tỏ mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục có những cải cách về thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để tăng năng suất, giảm rủi ro và chi phí trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.

Xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 8 khởi sắc

Trong khi đó, đà sụt giảm xuất nhập khẩu đang tiếp tục chậm lại. Xuất khẩu hàng hóa tháng 8 tăng 7,7% so với tháng trước. Nếu so sánh với các tháng 5, 6, và 7, thì mức tăng của tháng 8 là rất khả quan. Các giải pháp xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường thời gian qua đã mang lại kết quả tích cực. Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng ước tính xuất siêu hơn 20 tỷ USD.

Trong tháng 8, một số mặt hàng xuất khẩu có lợi thế của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt, như: rau quả, hạt điều, cà phê và gạo.

Đà sụt giảm ở những nhóm hàng khác cũng tiếp tục chậm lại và ghi nhận những tín hiệu khả quan, trong đó có ngành gỗ. Tại Công ty Cổ phần Woodsland, lượng đơn hàng đã tăng hơn 25% so với hồi đầu năm.

Xuất siêu hơn 20 tỷ USD trong 8 tháng - Ảnh 2.

Chế biến gỗ xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)

"Thị trường chính của chúng tôi là châu Âu và Mỹ đang từ đáy đi lên. Chúng tôi đáp ứng được các tiêu chí về chất lượng cũng như là tiêu chí về trách nhiệm xã hội, phát triển bền vững nên khách hàng cũng ưu tiên", bà Lê Ngọc Mai, Trưởng phòng Kế hoạch, Công ty Cổ phần Woodsland, chia sẻ.

Quý I và quý II năm nay đơn hàng sụt giảm, doanh nghiệp đã phải giãn việc của công nhân, ngày chỉ làm 1 ca hành chính. Một số công nhân cũng đã nghỉ việc. Tuy nhiên, từ tháng 7 tới nay, đơn hàng trở lại. Công nhân đã làm lại bình thường 2 ca một ngày và kỳ vọng từ nay tới cuối năm thậm chí công nhân còn có thể tăng ca.

Bộ Công Thương cho biết, tại thị trường Mỹ, một lượng lớn hàng tồn kho đã được giải phóng, việc làm được cải thiện, sức mua đang dần phục hồi.

"Hiện FED đã ngừng chu trình tăng lãi suất cơ bản, gửi tín hiệu khả quan cho thị trường Mỹ và kinh tế thế giới", ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, nhận định.

"Thị trường Trung Quốc chắc chắn sẽ phục hồi tốt hơn so với nửa đầu năm, khi Trung Quốc có những chính sách tốt hơn về kinh tế", bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, cho biết.

Những hiệp định thương mại tự do đã có với các thị trường lớn như châu Âu, châu Mỹ đang tiếp tục tác động tích cực tới thương mại, đầu tư và xuất khẩu. Một số mặt hàng may mặc bắt đầu được hưởng thuế nhập khẩu 0% vào thị trường EU theo hiệp định EVFTA. Đây sẽ là những điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu.


Theo VTV.vn