Phân hạng các nước theo chỉ số PMI của tháng, Việt Nam tiếp tục dẫn đầu danh sách tăng trưởng tổng thể với chỉ số PMI tăng lên mức cao trong tháng 9. Philippines đã tiến lên vị trí thứ hai với 50,8 điểm, mặc dù tốc độ tăng trưởng nhìn chung vẫn còn nhẹ.
Indonesia với 50,4 điểm cho thấy các điều kiện kinh doanh tiếp tục được cải thiện trong khi Thái Lan đã tăng trưởng trở lại, đạt 50,3 điểm sau khi suy giảm trong 2 tháng trước đó. Sau khi có cải thiện trong tháng trước, Malaysia (49,9 điểm) ghi nhận các điều kiện sản xuất hầu như không thay đổi trong tháng 9. Trong khi đó Singapore (48,6 điểm) đã rơi vào vùng suy giảm. Myanmar (49,4 điểm) tiếp tục có các điều kiện kinh doanh suy yếu, mặc dù tốc độ giảm vẫn còn nhẹ.
Số liệu Nikkei
Phân tích nguyên nhân tăng trưởng ở thị trường Việt Nam, Nikkei cho biết nhu cầu của khách hàng đã tăng lên kéo theo lượng đơn đặt hàng mới tăng. Đây là mức tăng đáng kể nhất trong 5 tháng. Tốc độ tăng đơn đặt hàng cũng được cải thiện mạnh trong tháng 9.
Cũng nhờ vậy, lượng hàng tồn kho cũng đã giảm tháng thứ 3 liên tiếp, và đây là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 7/2016.
Sản lượng ngành sản xuất của Việt Nam cũng đã tăng tháng 11 liên tiếp. Cả ba lĩnh vực thị trường đều có sản lượng tăng, đứng đầu là các công ty sản xuất hàng hoá tiêu dùng.
Về chi phí đầu vào, Nikkei ghi nhận do giá cả nguyên vật liệu tăng, kể cả nguyên liệu có nguồn gốc từ Trung Quốc đã khiến chi phí đầu vào tăng đáng kể, mạnh nhất kể từ tháng 5/2011. Vì vậy, trong tháng 9 này, lần đầu tiên trong 5 tháng các công ty phải tăng giá cả đầu ra.
Ông Andrew Harker, tại IHS Markit, công ty thu thập kết quả khảo sát nhận định quý 3 đã kết thúc với một ghi nhận tích cực đối với các nhà sản xuất Việt Nam. Nhờ đó, các nhà sản xuất có thể tiếp tục tăng trưởng trong quý cuối năm. Dù vậy, ông lưu ý Việt Nam cần thận trọng vì áp lực lạm phát đã xuất hiện trở lại.
Trí thức trẻ