Trả lời các câu hỏi đặt ra của đại diện doanh nghiệp, nhà đầu tư tại sự kiện, Thủ tướng cho hay, năm 2017, Việt Nam gặp những khó khăn nhất định nhưng vẫn hoàn thành các chỉ tiêu phát triển, đặc biệt là tăng trưởng GDP.
"Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hội nhập, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đúng với tinh thần Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (Vietnam Business Summit - VBS) diễn ra sáng 7/11 tại Đà Nẵng.
Là sự kiện nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, VBS cũng là cơ hội để Thủ tướng trực tiếp đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bốn nguyên nhân
"Những kết quả mà Việt Nam đã đạt được cho đến nay chính là nguồn động lực quan trọng để Việt Nam tự tin, vững bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới", Thủ tướng khái quát trong phát biểu khai mạc VBS.
"Chúng tôi quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh hội nhập quốc tế; tiếp tục thực hiện mục tiêu duy trì ổn định vĩ mô vững chắc, cải cách thể chế, chính sách pháp luật, phát triển bền vững, chú trọng tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho người dân", ông nói.
Trả lời các câu hỏi đặt ra của đại diện doanh nghiệp, nhà đầu tư tại sự kiện, Thủ tướng cho hay, năm 2017, Việt Nam gặp những khó khăn nhất định nhưng vẫn hoàn thành các chỉ tiêu phát triển, đặc biệt là tăng trưởng GDP.
Theo ông, điều này có nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, Việt Nam có sự ổn định về chính trị - xã hội.
Thứ hai, Chính phủ đã và đang triển khai nhiều biện pháp cải cách mạnh mẽ, đặc biệt là cải cách hành chính. Trong năm 2017, đã cắt bỏ trên 5.000 thủ tục hành chính và đang đẩy mạnh cải cách thể chế.
Thứ ba, Việt Nam hiện đang đẩy mạnh cải cách kinh tế hơn nữa.
Thứ tư, trong lần thứ hai đăng cai tổ chức APEC, Việt Nam thể hiện sự hội nhập sâu rộng vào cộng đồng quốc tế.
Ba định hướng
Thủ tướng cũng nhấn mạnh ba định hướng lớn của Chính phủ, để các nhà đầu tư có thể yên tâm đầu tư vào Việt Nam.
Thứ nhất, tập trung vào cải thiện chất lượng thể chế, chính sách pháp luật, thúc đẩy pháp quyền, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao năng lực quản trị Nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô theo hướng tăng trưởng bền vững, bảo đảm các thăng tiến xã hội không ngừng, kéo tầng lớp dân cư thu nhập thấp tiến lên hội tụ với nhóm thu nhập trung bình và khá.
Ông nói, khát vọng vươn lên làm giàu chính là chìa khóa để duy trì sự chuyển động của một vòng xoay tích cực thúc đẩy lẫn nhau giữa sự gia tăng tầng lớp trung lưu và tăng trưởng kinh tế.
Thứ hai, phát triển nền kinh tế khởi nghiệp, sáng tạo thông qua các cam kết hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để vun đắp, hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp.
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam cam kết bảo hộ các ý tưởng sáng tạo, phát kiến mới trong khởi nghiệp và thực thi các quyền sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ Luật Sở hữu trí tuệ cũng như trong khuôn khổ các FTAs mà Việt Nam tham gia. Tính năng động trong kinh tế, chính sách mở về Internet và sự thuận lợi về kinh doanh đang tạo ra nhiều cơ hội lớn cho các nhà khởi nghiệp ở Việt Nam.
"Chúng tôi mời gọi sự tham gia của nhiều nhà đầu tư và mong muốn có thêm nhiều quỹ hỗ trợ khởi nghiệp và quỹ đầu tư mạo hiểm hơn nữa hoạt động ở Việt Nam để cùng hòa vào làn sóng khởi nghiệp đang rất hứng khởi ở Việt Nam", Thủ tướng nói.
Thứ ba, thực hiện cải cách thuế theo hướng gia tăng cạnh tranh cho nền kinh tế, hướng đến các chuẩn mực minh bạch, công bằng và hiệu quả theo tiêu chuẩn cao của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Hiện tại, theo Thủ tướng, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam chỉ 20% và dự kiến sẽ giảm còn 15-17% theo lộ trình cải cách thuế sắp tới để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.
Ngoài thuế suất cạnh tranh, Việt Nam còn áp dụng nhiều quy định ưu đãi miễn, giảm thuế dành cho nhà đầu tư trong các lĩnh vực ưu tiên như công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tạo nhiều việc làm…
Vneconomy