Xây dựng nhà máy thép “xanh” ở Boden, Thụy Điển |
Thép thường được sản xuất trong quy trình bắt đầu bằng lò cao, được nung bằng than nên thải ra một lượng lớn khí carbon dioxide (CO2) làm gia tăng sự nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, nhà máy sản xuất thép “xanh” đầu tiên ở châu Âu đặt tại Boden, phía Bắc Thụy Điển, sẽ sử dụng công nghệ hydro được thiết kế để cắt giảm tới 95% lượng khí thải so với quy trình sản xuất thép thông thường. Dự kiến, nhà máy sẽ bắt đầu sản xuất thép “xanh” vào năm 2025 và sớm đạt công suất 5 triệu tấn/năm vào năm 2030.
Trung tâm của nhà máy thép “xanh” sẽ là một cấu trúc cao hình tháp. Bên trong tháp, hydro sẽ phản ứng với quặng sắt để tạo ra một loại sắt có thể dùng để luyện thép. Không giống như dùng than đốt nóng dẫn đến phát thải CO2, sản phẩm phụ của phản ứng trong tháp là hơi nước. Tất cả hydro được sử dụng tại nhà máy thép “xanh” sẽ do Công ty H2Green Steel sản xuất từ nước ở sông Lule gần đó, thông qua máy điện phân để tách hydro ra khỏi các phân tử nước. Điện được sử dụng để sản xuất hydro và cung cấp cho nhà máy là từ các nguồn năng lượng tái tạo tại địa phương, gồm thủy điện từ sông Lule và các công viên điện gió trong khu vực.
Bà Ida-Linn Näzelius, Phó chủ tịch Môi trường và xã hội của Công ty H2Green Steel, cho biết, Boden là điểm lý tưởng để bắt đầu sản xuất thép “xanh”. Ngoài ra, H2Green Steel đã ký thỏa thuận với Công ty Năng lượng Iberdrola của Tây Ban Nha để xây dựng một nhà máy thép chạy bằng năng lượng mặt trời ở bán đảo Iberia, và đang tìm kiếm cơ hội để sản xuất thép “xanh” ở Brazil.
Ngay tại Thụy Điển, H2Green Steel gặp phải sự cạnh tranh từ một công ty thép trong nước khác - Hybrit, đang có kế hoạch mở một nhà máy thép không sử dụng năng lượng hóa thạch tương tự ở miền Bắc Thụy Điển vào năm 2026. Hybrit là liên doanh giữa Công ty thép Bắc Âu SSAB, Công ty Khai thác mỏ LKAB và Công ty Năng lượng Vattenfall. Dự án của Hybrit được Cơ quan Năng lượng Thụy Điển và Quỹ Đổi mới của Liên minh châu Âu (EU) tài trợ.
Theo bà Katinka Lund Waagsaether, cố vấn chính sách cấp cao của tổ chức tư vấn khí hậu E3G (trụ sở tại Brussels), Thụy Điển đang dẫn đầu về sản xuất thép cắt giảm khí thải carbon ở châu Âu. Ngoài Thụy Điển, còn có Công ty GravitHy có kế hoạch mở một nhà máy thép chạy bằng hydro ở Pháp vào năm 2027. Gã “khổng lồ” về thép của Đức là Thyssenkrupp gần đây cũng tuyên bố đặt mục tiêu giới thiệu quy trình sản xuất trung hòa carbon tại tất cả các nhà máy của mình vào năm 2045. Nhà sản xuất thép lớn nhất châu Âu là ArcelorMittal và Chính phủ Tây Ban Nha cũng đầu tư vào các dự án thép “xanh” ở miền Bắc Tây Ban Nha.
Trong khi đó, EU đang trong quá trình hoàn thiện chiến lược mới gọi là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, buộc các công ty châu Âu phải trả giá đắt hơn khi nhập khẩu thép không xanh, rẻ hơn từ các nơi khác trên thế giới. Bà Lund Waagsaether nhận định, một chiến lược dài hạn thông minh hơn trong ngành thép là đầu tư vào việc chuyển sang các quy trình sản xuất cắt giảm khí thải carbon. “8 năm tới là rất quan trọng để đảm bảo rằng các công ty và nhà đầu tư trên toàn cầu đưa ra quyết định đối với sản xuất thép xanh”, bà Lund Waagsaether nhấn mạnh.
KHÁNH MINH
Theo BÁO SÀI GÒN GIẢI PHÓNG