Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình.
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này đã tỏ ra lo ngại việc thu ngân sách đạt thấp so với 3 năm gần đây, vì khi tăng trưởng GDP năm 2017 dự kiến đạt kế hoạch 6,7%, nhưng thu ngân sách chỉ tăng 2,3% so dự toán.
Trong đó, thu ngân sách từ doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và kinh tế ngoài quốc doanh đều không đạt dự toán.
Trước những lo ngại này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình nhiều vấn đề về ngân sách, trước khi đại biểu bấm nút biểu quyết dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018, sáng 13/11.
Không đạt vì doanh nghiệp gặp khó
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình: việc tăng trưởng kinh tế năm 2017 ước đạt kế hoạch 6,7% vẫn cần phải tiếp tục có sự nỗ lực cố gắng và quyết tâm cao của Chính phủ và các cấp chính quyền.
Trong khi đó, chất lượng tăng trưởng còn chậm cải thiện, năng suất lao động chưa cao, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, số lượng doanh nghiệp chấm dứt kinh doanh và tạm ngừng kinh doanh còn lớn…
Dự toán thu năm 2017 đã được tính toán trên cơ sở tăng trưởng GDP 7%, do đó, việc ước thu tăng 2,3% so với dự toán là phù hợp với tình hình thực tế và bảo đảm chủ động trong quá trình điều hành ngân sách.
Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến đại biểu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục tích cực chỉ đạo công tác điều hành thu, phấn đấu tăng thu cao hơn so với số đã báo cáo Quốc hội.
Đối với số thu từ doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và kinh tế ngoài quốc doanh không đạt dự toán, báo cáo nêu, dự toán thu năm 2017 của các khu vực này đều giao ở mức cao so với thực hiện năm 2016, trong khi các yếu tố thúc đẩy sản xuất còn hạn chế.
Nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, đặc biệt là một số tập đoàn, tổng công ty có đóng góp lớn cho ngân sách như lĩnh vực lắp ráp ôtô, khai khoáng, thủy điện, khí thiên nhiên, một số doanh nghiệp FDI lớn đang trong giai đoạn được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế...
Mặt khác, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải thích, việc cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức tín dụng còn chậm là những yếu tố tác động không thuận tới số thu từ ba khu vực kinh tế quan trọng nêu trên.
Phải bảo đảm tỷ lệ huy động 21% GDP
Với 2018, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng dự toán thu, chi về số tuyệt đối đều cao hơn năm 2017, nhưng nếu tính theo tỷ lệ phần trăm huy động từ thuế, phí thì thấp hơn năm 2017.
Khẳng định ý kiến đại biểu nêu là đúng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, tỷ lệ huy động từ thuế, phí năm 2018 dự kiến là 19,7%GDP, giảm so với năm 2017 (20,1%GDP) và thấp hơn mục tiêu đề ra cho giai đoạn 2016-2020 là khoảng 21%GDP.
Điều này có nguyên nhân chủ yếu do sản lượng khai thác dầu thô giảm xấp xỉ 2 triệu tấn, giảm thuế nhập khẩu do cam kết hội nhập, cũng như việc điều chỉnh chính sách thu nội địa chậm hơn dự kiến.
Tổng hợp các yếu tố giảm thu nêu trên ước làm giảm mức huy động từ thuế, phí khoảng 0,4-0,5%GDP.
Tuy nhiên, để bảo đảm thực hiện kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 đã được Quốc hội quyết định, tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ xây dựng giải pháp và lộ trình thực hiện điều chỉnh chính sách thu nội địa trình Quốc hội xem xét, quyết định, bảo đảm tỷ lệ huy động từ thuế, phí khoảng 21%GDP như nghị quyết của Quốc hội.
Đồng thời, sửa đổi chính sách quản lý thu, vừa bao quát nguồn thu, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, ngăn chặn tình trạng chuyển giá, trốn thuế; giảm tỷ lệ nợ đọng thuế.
Làm rõ trách nhiệm
Cũng nhiều đại biểu có ý kiến, đó là tổng kế hoạch vốn ngoài nước giai đoạn 2016-2020 được Quốc hội thông qua là 300 nghìn tỷ đồng, mới đáp ứng được khoảng 70-80% nhu cầu giải ngân của các dự án đã ký kết.
Nếu tính cả các dự án mới ký hiệp định chưa cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch vốn nước ngoài giai đoạn 2016-2020 sẽ chỉ đáp ứng được 62-65% nhu cầu giải ngân vốn nước ngoài, nếu giải ngân đúng theo tiến độ các Hiệp định vay thì sẽ tác động trực tiếp đến bội chi ngân sách và nợ công.
Đại biểu đề nghị làm rõ việc ký kết các hiệp định vay vốn nước ngoài vượt kế hoạch trung hạn và đề nghị Ủy ban Tài chính - Ngân sách nên tổ chức giám sát về nội dung này.
Khẳng định ý kiến đại biểu là đúng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, công tác quản lý vay và sử dụng vốn ngoài nước đến nay còn nhiều hạn chế.
Việc quyết định ký kết các hiệp định chưa căn cứ trên tổng mức vay theo kế hoạch trung hạn đã được Quốc hội quyết định (300 nghìn tỷ đồng), theo đó, việc bố trí dự toán hàng năm chưa sát với tình hình thực tế giải ngân của từng dự án vốn vay ngoài nước.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan có báo cáo cụ thể về tổng mức vốn ngoài nước đã ký kết tăng lên, có xu hướng vượt tổng mức trong kế hoạch trung hạn đã được Quốc hội quyết định.
Kiểm soát chặt chẽ việc đàm phán, ký kết các hiệp định vay mới, đồng thời làm rõ trách nhiệm trong việc vay và quản lý vốn ngoài nước chưa phù hợp với các nghị quyết của Quốc hội.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũn đã giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách chủ trì nội dung giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc giải ngân nguồn vốn này trong giai đoạn vừa qua, báo cáo nêu rõ.
Vneconomy