icon icon icon
 

Ngành vận tải biển nỗ lực chuyển đổi xanh

2023-05-17 13:56:39

Tập đoàn Maersk đã đưa ra chiến lược xanh hoá bằng cách thay thế nhiên liệu chạy tàu truyền thống bằng nhiên liệu methanol tổng hợp.

Tập đoàn vận tải hàng hải Maersk lớn nhất thế giới đang đầu tư vào một đội hình tàu container được vận hành không phải bằng nhiên liệu hoá thạch như mọi khi mà bằng nhiên liệu methanol tổng hợp. Tuy nhiên, chiến lược tưởng như xanh hoá ngành vận tải biển này lại đang gây ra tranh cãi.
Maersk Việt Nam kỷ niệm 30 năm: Hướng tới tầm cao mới trên bản đồ logistics thế giới
Tại cảng Rotterdam, cảng sầm uất nhất châu Âu, tàu container Mary Maersk của tập đoàn vận tải Maersk đang sắp vận chuyển 18 nghìn container hàng hoá đến Thượng Hải, Tangiers và Hàn Quốc. Con tàu sẽ lênh đênh trên biển trong 6 tuần. Như hầu hết các tàu container khác, Mary Maersk chạy bằng nhiên liệu hoá thạch.
Ngành vận tải biển mỗi năm thải ra khoảng 3% khí nhà kính của lượng phát thải toàn cầu- gần bằng tổng lượng phát thải của cả nước Nhật Bản vào năm 2021. Vì vậy, Maersk, tập đoàn vận tải biển hàng đầu thế giới, đã đưa ra chiến lược xanh hoá bằng cách thay thế nhiên liệu chạy tàu truyền thống bằng nhiên liệu methanol tổng hợp.
Ông Morten Bo Christensen, Trưởng bộ phận Chuyển đổi năng lượng của Maersk, cho biết: "Các doanh nghiệp toàn cầu đang nỗ lực hướng tới chuyển đổi sang các phương thức vận hành - sản xuất thân thiện với môi trường. Các khách hàng nhìn thấy giá trị lớn trong việc mua các sản phẩm xanh, giảm phát thải ra môi trường.
Khoảng 200 đối tác chuyên thuê tàu của Maersk để vận chuyển hàng hoá cũng đều là những công ty tiên phong trong việc chuyển đổi xanh. Trong ngành thời trang có H&M, ngành ô tô có Volvo, điện tử có Lenovo. Tuy nhiên, chiến lược của Maersk vẫn gây ra tranh cãi vì chi phí cũng như quy trình tạo ra nhiên liệu methanol xanh không hề đơn giản và cũng không rẻ. Trên toàn thế giới hiện chỉ có khoảng 80 nhà máy sản xuất loại nhiên liệu này.
Ông Tristan Smith, Giáo sư viện Năng lượng UCL, cho biết: "Quá trình tạo ra nhiên liệu methanol không đơn giản để vừa hiệu quả mà lại giá thành thấp. có phương án khác rẻ hơn là dùng nhiên liệu từ ammonia, nhưng chắc phải một thời gian dài nữa thì tàu thuyền mới sử dụng loại nhiên liệu này được".
Câu hỏi đặt ra là: Rồi cuối cùng ai sẽ là người chi trả chi phí đội lên để tàu vận tải biển có thể được chạy bằng nhiên liệu xanh? Nhiều khả năng sẽ là người tiêu dùng, những người mua các sản phẩm được chở trong những container kia. Đối với người tiêu dùng các nền kinh tế phát triển, chi phí đội lên một vài USD có thể không có tác động quá lớn, nhưng với những quốc gia đang phát triển, đây lại là một vấn đề đáng nói.
Nhưng việc giảm phát thải khí nhà kính, trung hoà carbon đang là mục tiêu lớn của ngành vận tải biển thế giới. Ví dụ, kênh đào Panama đang áp dụng một hệ thống trả phí - tàu thuyền nào phát thải ít hơn thì đi qua kênh đào này sẽ phải trả phí thấp hơn. Chính vì thế, đầu tư vào nhiên liệu xanh vẫn được coi là sẽ đem lại giá trị lớn. Nhất là khi vận tải biển hướng tới việc không còn phát thải khí Carbon.

Như Anh