Theo các chuyên gia, Việt Nam cần nâng cao chất lượng lao động ngay từ khâu đào tạo, đây sẽ là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư.
Dòng vốn FDI về Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt và đặc biệt có sự gia tăng về số lượng các dự án FDI về khoa học công nghệ. Đây là cơ hội của Việt Nam, nhưng cũng là thách thức.
Viện Quan hệ Quốc tế Australia đăng tải bài viết với nhan đề "Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam 2023: Những thách thức vẫn chưa đến" cho rằng, dòng vốn FDI vào Việt Nam gần đây đạt hơn 16 tỷ USD (năm 2020). Ngay cả khi điều chỉnh theo lạm phát, mức tăng trưởng này đạt đỉnh vào năm 2022 và nhiều khả năng năm 2023 một lần nữa sẽ là một năm kỷ lục. Điều này kéo theo nhu cầu tạo ra lao động có tay nghề cao hơn.
"Có một thực tế khi tôi trao đổi với các doanh nghiệp FDI, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, nhiều lao động học đại học, nhưng ra trường lại khó có thể phù hợp với công việc, vì thiếu những kỹ năng thực tế. Do đó, tôi thấy phổ biến hơn nữa các trường dạy nghề, hoặc các liên kết để các sinh viên có thể thực tập ngay tại các doanh nghiệp, thì khi ra trường, mới có thể bắt đầu công việc ngay được", ông Thue Quist Thomasen, CEO Công ty Decision Lab, cho biết.
Việt Nam cần thay đổi trong việc phát triển nguồn nhân lực, tập trung hơn vào đào tạo thực chất, thông qua phát triển các trường hay khóa học nghề. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Tôi cho rằng cần tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng dạy nghề, cơ sở vật chất dạy nghề và thúc đẩy đào tạo nghề nhiều hơn nữa. Không phải ai cũng phải học đại học mới trở thành chuyên gia giỏi", ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, nhận định.
Nền kinh tế số đang ngày càng phát triển khiến nhiều công việc truyền thống bị mất đi, nhưng nhiều công việc mới cũng được tạo ra. Các chuyên gia nhận định cần phải chủ động đào tạo nguồn nhân lực hiện có mới đáp ứng được những yêu cầu của nền kinh tế số.
"Sự trong thời đại nền kinh tế số, nhiều việc làm được tạo ra thì cũng nhiều việc làm bị mất đi. Do đó cần thay đổi các chính sách đào tạo nguồn nhân lực để tăng tính cạnh tranh", ông Gilbert F. Houngbo, Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cho hay.
Ý kiến của các chuyên gia đều cho rằng, Việt Nam cần thay đổi trong việc phát triển nguồn nhân lực, tập trung hơn vào đào tạo thực chất, thông qua phát triển các trường hay khóa học nghề. Từ đó khi sinh viên ra trường, sẽ có những kỹ năng cần thiết, có thể bắt đầu ngay với công việc, đặc biệt tại các doanh nghiệp FDI công nghệ cao.
Theo VTV.vn