Đây là chia sẻ của ông Nate Herman, Phó Giám đốc cấp cao Chuỗi cung ứng, Hiệp hội May mặc và Giày dép Hoa Kỳ (AAFA) tại Hội nghị An toàn và việc tuân thủ an toàn sản phẩm AAFA 2017 được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 19/10/2017.
Theo ông Nate Herman, 8 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ đạt gần 30,2 tỷ USD, chiếm 1,99% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ các nước; đồng thời, Việt Nam đóng hơn 2,2 tỷ USD tiền thuế nhập khẩu, chiếm tỷ trọng 10,11% tổng thu từ thuế nhập khẩu của Hoa Kỳ.
.
Nguồn: Ảnh từ slide trình bày của ông Nate Herman tại Hội nghị AAFA 2017
Xét về độ lớn, Việt Nam đang là nhập khẩu lớn thứ 12 của Hoa Kỳ nhưng là đối tác đóng góp thuế liên quan nhập khẩu hàng hóa lớn thứ 2 tại quốc gia này, chỉ sau Trung Quốc. Nhiều quốc gia phát triển như Canada, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Anh Quốc, Pháp đều có kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vào Hoa Kỳ lớn hơn Việt Nam, nhưng số thuế phải đóng thấp hơn Việt Nam.
Đơn cử Nhật Bản, 8 tháng đầu năm 2017, giá trị xuất khẩu hàng hóa Nhật vào Hoa Kỳ đạt 89,2 tỷ USD, xếp thứ 4 về kim ngạch, nhưng số thuế chỉ đóng gần 1,6 tỷ USD, xếp thứ 3, sau Việt Nam; hay Anh Quốc (UK) – quốc gia mà nhiều khả năng Hoa Kỳ (USA) muốn có FTA USA – UK trong thời gian tới khi Anh Quốc rời khởi EU, 8 tháng đầu năm 2017 xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 34,3 tỷ USD, xếp thứ 7 về kim ngạch, nhưng đóng thuế gần 360 triệu USD, xếp thứ 10.
Điều này cho thấy, hàng hóa Việt Nam đang bị đánh thuế rất cao khi xuất vào Hoa Kỳ, cao hơn cả các nước phát triển và các nước trong khu vực. Ông Nate Herman cho biết, có những dòng hàng Việt Nam bị đánh thuế trên 30% và dệt may – dòng sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ hàng xuất khẩu vào Hoa Kỳ của Việt Nam đang bị đánh thuế trung bình 17%.
Ông Josue Solano, Chủ tịch và Giám đốc Điều hành BBC International LLC cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam nên tuân thủ các quy định về an toàn sản phẩm và nói không với hàng “lỗi” để nâng cao uy tín qua đó tránh bị áp thêm thuế hay được xem xét ở các chương trình ưu đãi thuế của Hoa Kỳ.
“Doanh nghiệp hãy luôn cập nhật thay đổi trong các quy định có liên quan đến an toàn và tuân thủ an toàn sản phẩm; hiểu mình là ai trong chuỗi cung ứng; hiểu khách hàng của mình là ai và các yêu cầu của họ là gì; xây dựng một chương trình đáp ứng các yêu cầu của mình và của các nhà cung ứng.”
Đồng thời, doanh nghiệp “đừng lừa dối bản thân chúng ta” hay tiết kiệm chi phí với hi vọng khách hàng không phát hiện ra những “lỗi” của mình. Bởi theo ông Josue Solano, khi khách hàng phát hiện ra lỗi, doanh nghiệp có thể mất hàng triệu USD, quan trọng hơn ngành hàng và doanh nghiệp sẽ bị mất uy tín, qua đó ảnh hưởng đến việc xem xét được hưởng các chương trình ưu đãi thuế của Hoa Kỳ.
Diễn đàn đầu tư