Nền kinh tế lớn nhất châu Á - Trung Quốc - được dự báo sẽ tăng trưởng 6,8 trong năm nay và 6,5% trong năm tới. Nguồn: Irandaily
Ông Changyong Rhee - Giám đốc Văn phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IMF cho biết: "Với đà tăng trưởng mạnh mẽ như hiện nay, châu Á đang ở vị trí vô cùng thuận lợi. Tuy vậy, vẫn còn sớm để có thể dự đoán được quá trình tăng trưởng này sẽ kéo dài trong bao lâu. Những cú hích về mặt kinh tế trong khu vực là cơ hội để các quốc gia có thể mau chóng ban hành những chính sách đổi mới cơ cấu cũng như giải quyết các vấn đề tồn đọng".
Vươn lên mạnh mẽ
Trong nửa đầu năm nay, tình hình tài chính tại châu Á có nhiều dấu hiệu khởi sắc nhờ vào nguồn vốn đổ vào đáng kể. Thêm vào đó là việc triển vọng tăng trưởng được nâng lên và lạm phát xuống mức 2,3% vào năm 2017, thấp hơn 0,6% so với dự đoán, chủ yếu là nhờ giá cả hàng hóa giảm cùng với việc tăng tỷ giá hối đoái của các đồng tiền trong khu vực.
Nhìn chung, kinh tế châu Á có thể vươn lên mạnh mẽ trong thời gian qua phần lớn là nhờ vào sự tăng trưởng vượt trên cả mong đợi đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN. Chính sự phát triển của những quốc gia này đã góp phần bù đắp cho triển vọng tăng trưởng không mấy khả quan của Australia và Ấn Độ.
Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất trong khu vực, được dự báo sẽ đạt mức tăng 6,8% trong năm nay và 6,5% vào năm tới. Con số này là kết quả của việc chính phủ nước này tiếp tục chi mạnh tay cho nâng cấp cơ sở hạ tầng cũng như sự hồi sinh của thị trường bất động sản trong nửa đầu năm nay. Nếu muốn tiếp tục duy trì mức phát triển này trong 3 - 5 năm tới, Trung Quốc cần đẩy nhanh quá trình đổi mới để khiến cho tăng trưởng ít chịu lệ thuộc hơn vào gánh nặng nợ nần và đầu tư.
Còn Nhật Bản, đến nửa đầu 2017, đã đạt được mức tăng trưởng bền vững trong vòng 6 quý liên tiếp. Theo dự báo, kinh tế xứ sở hoa anh đào sẽ tăng 1,5% trong năm nay, chủ yếu nhờ vào sự cải thiện của nhu cầu bên ngoài cũng như các giao dịch tài chính.
Trong khi đó, kinh tế Ấn Độ rơi vào tình cảnh gián đoạn và có phần tụt lại phía sau do động thái phi tiền tệ hóa, tức rút tiền mặt khỏi lưu thông, của Thủ tướng Narendra Modi hồi tháng 11/2016. Bên cạnh đó, việc nhà nước đánh thuế nhiều hàng hóa và loại hình dịch vụ trong thời gian gần đây cũng góp phần không nhỏ vào diễn biến kể trên.
Ở các nơi khác thuộc khu vực, cụ thể là nhóm ASEAN-5, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, và Thái Lan, viễn cảnh phát triển vẫn khá mạnh mẽ, cụ thể như Thái Lan ở mức 4,9% trong 2017 và 2018. Tương lai tốt đẹp này có được nhờ vào sự gia tăng mức đầu tư và xuất khẩu.
Rủi ro và thách thức
Tuy nhiên, dù có mức tiêu thụ sản phẩm và dòng đầu tư lớn, song châu Á nhanh chóng cần có các chính sách đổi mới để có thể duy trì vị trí dẫn đầu khi mà hàng loạt trở ngại như già hóa dân số, sự gia tăng bảo hộ mậu dịch và căng thẳng địa chính trị v.v... đang liên tục xuất hiện.
Triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi và đang trên đà phát triển tại châu Á dễ bị tác động bởi sự tháo chạy dòng vốn, phát sinh do tình trạng thắt chặt điều kiện tài chính toàn cầu một cách bất ngờ. Hơn nữa, các quốc gia châu Á dễ bị tác động bởi những chính sách bảo hộ mậu dịch do tốc độ mở cửa thương mại tương đối khá cũng như đặc thù hội nhập trong chuỗi cung ứng toàn cầu của mình.
Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị leo thang trong thời gian gần đây cũng góp phần hạn chế đà phát triển của kinh tế khu vực trong trung hạn. Mâu thuẫn giữa Mỹ và Triều Tiên xung quanh vấn đề hạt nhân hay tranh chấp trên biển Đông đều là những yếu tố khiến cho giá vàng cũng như dầu trồi sụt bất định, kìm hãm triển vọng tăng trưởng của châu Á. Ngoài ra, già hóa dân số và năng suất lao động kém cũng là 2 vấn đề lớn mà châu Á cần mau chóng tìm ra phương án giải quyết.
Dựa trên những rủi ro này, IMF khuyến khích các quốc gia nên đưa ra những chính sách giúp nâng thu nhập, tạo việc làm và đảm bảo cho tăng trưởng được trải đều trên cả khu vực.
Báo cáo của IMF cũng cho biết, để có thể đương đầu với những thách thức mang tính dài hạn này, các nước cần có biện pháp giúp đỡ phụ nữ và người cao tuổi tham gia lao động. Hệ thống hưu trí cũng cần thiết được tăng cường. Để thúc đẩy năng suất, báo cáo đề xuất giảm gánh nặng pháp lý và kích thích cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ. Bên cạnh đó là giảm thiểu sự biến dạng về thuế để cải thiện việc phân bổ nguồn lực cho các doanh nghiệp sản xuất.
Thêm vào đó, mỗi nước có thể áp dụng chính sách tài khóa khác nhau, tùy thuộc vào vị thế chu kỳ và dư địa tài khóa. Theo IMF, một số nước cần tăng cường chính sách tài khóa nhằm ngăn ngừa rủi ro, nhất là nguy cơ đảo chiều của dòng vốn.
DNSG