Khi cạnh tranh khốc liệt, áp lực tài chính, nguy cơ dịch bệnh đang là những thách thức trực tiếp ảnh hưởng đến doanh thu, cắt giảm chi phí trở thành chiến lược được phần lớn doanh nghiệp lựa chọn để vượt bão.
Quý I/2023, tốc độ tăng trưởng GDP của nước ta chỉ đạt 3,32%, ở mức gần thấp nhất từ giai đoạn 2011 đến nay. Nguyên nhân chính được chỉ ra do sự biến động của nền kinh tế toàn cầu, lạm phát ở mức cao, giá năng lượng tăng cao… và những lý do nội tại như sự suy giảm của hoạt động sản xuất công nghiệp, sự khó khăn trong việc tiếp cận nguồn nguyên liệu, chi phí vận chuyển tăng…
Bên cạnh đó, áp lực tài chính và cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ trong và ngoài nước cũng là yếu tố tác động đến sự tăng trưởng của nền kinh tế nói chung và sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng. Lãi suất vay tăng cao, chi phí đầu vào liên tục tục tăng khiến doanh nghiệp vào "thế khó" khi vừa phải duy trì hoạt động tài chính vừa tối ưu hoá lợi nhuận. Điển hình như trong cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu, lãi suất vay USD có thời điểm lên trên 4%, trong khi trước đây chỉ từ 2 – 3%.
Theo số liệu từ Báo cáo CEO toàn cầu lần thứ 26 khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, có tới 48% các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đang tiến hành cắt giảm chi phí vận hành, 33% đang xem xét khả năng cắt giảm chi phí trong vòng 12 tháng tới để tạo ra lợi nhuận trong tương lai gần. Một chiến lược tương tự đang được khá nhiều doanh nghiệp áp dụng, là giảm thiểu chi phí logistics – phần được coi là bài toán khó giải trong nhiều năm qua tại Việt Nam.
"Trong những năm gần dây, chúng ta đã được chứng kiến những bước phát triển không ngừng của ngành logistics để bắt kịp với tốc độ thế giới. Tuy nhiên việc chi phí logistics luôn chiếm khoảng 20 – 25% tổng giá trị hàng hoá, vẫn là mức cao hơn mặt bằng chung của các nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia…, tạo áp lực lớn cho các doanh nghiệp khi phải đối mặt với chi phí vận chuyển, lưu kho đắt đỏ, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh trong sản xuất và kinh doanh", ông Chu Văn Kiên – Giám đốc vận tải 247Express chia sẻ.
Cũng theo nhận định của đơn vị này, chỉ xét ngay đến những vấn đề sát sườn nhất như trễ hẹn giao hàng, hàng bị hư hỏng bên trong, rách móp biến dạng bên ngoài, nếu không giải quyết triệt để cũng là yếu tố đánh thẳng vào lợi nhuận của doanh nghiệp.
Ông Chu Văn Kiên - Giám đốc vận tải 247Express
Trên thực tế, một số doanh nghiệp đã áp dụng giải pháp tự thực hiện các hoạt động logistics. Chiến lược này một mặt giúp doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí, chủ động thích ứng với nhu cầu cụ thể và tận dụng nguồn lực sẵn có, nhưng cũng đi kèm với không ít rủi ro. Nhiều khảo sát cho thấy, hơn 50% doanh nghiệp tự thực hiện hoạt động logistics đều gặp tình trạng thiếu kinh nghiệm, chất lượng nguồn nhân lực, nguồn vốn đầu tư hạ tầng logistics…Với các doanh nghiệp lựa chọn hình thức hợp tác với đơn vị logistics, cần có bộ tiêu chí rõ ràng khi lựa chọn các đối tác cung cấp dịch vụ như: độ thích nghi nhanh với các thay đổi của thị trường, thấu hiểu bài toán doanh nghiệp và có khả năng đáp ứng nhu cầu riêng biệt mang tính đặc thù của từng ngành, từng giai đoạn. Từ đó tối ưu mọi nguồn lực, tập trung cho các chiến lược phát triển bền vững.
Về chiến lược nâng cao năng lực cạnh tranh, chìa khoá cho hoạt động logistics không nằm ngoài xu thế chuyển đổi số và logistics xanh. Chuyển đổi số giúp quy trình vận hành logistics được tối ưu chi phí, tăng hiệu quả quản lý dữ liệu, lường trước các rủi ro về tiến độ đơn hàng nếu có. Đồng thời, tăng cường tính minh bạch của quy trình giao hàng và nâng cao trải nghiệm cũng như lòng tin của khách hàng với thương hiệu. Về logistics xanh, đây là xu hướng tất yếu mà các doanh nghiệp không thể đứng ngoài, khi khách hàng trên toàn cầu ngày càng quan tâm và ưu tiên lựa chọn hàng hoá, dịch vụ thân thiện với môi trường. Do đó doanh nghiệp cần thực sự lưu tâm đến yếu tố "xanh hoá" khi thực hiện hoạt động logistics hoặc lựa chọn đối tác logistics.
Ánh Dương