icon icon icon
 

ĐẰNG SAU QUYẾT ĐỊNH GIẢM THUẾ NHẬP KHẨU XĂNG DẦU LÀ GÌ?

2023-01-14 15:29:25
Giữa lúc dư luận đang “nóng” vì áp mức thuế làm căn cứ tính giá cơ sở xăng dầu sai, khiến người tiêu dùng bị “móc túi” hàng ngàn tỷ đồng. Bất ngờ, Bộ Tài chính tuyên bố giảm thuế nhập khẩu mặt hàng này vì lợi ích người tiêu dùng. Sự thực có đúng như vậy?

Ngày 17/3, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 48/2016, sửa đổi thuế suất nhập khẩu ưu đãi với một số mặt hàng xăng, dầu theo Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (Biểu thuế MFN). Và 1 ngày sau (ngày 18/3), biểu thuế mới được áp dụng. Khi đó, Bộ Tài chính lý giải, việc giảm thuế trên nhằm hài hòa mức thuế nhập khẩu ưu đãi và thuế nhập khẩu theo cam kết Hiệp định thương mại (FTA) khu vực ASEAN và Việt Nam - Hàn Quốc; đồng thời, đảm bảo lợi ích người tiêu dùng.

Vấn đề là phải chăng phía sau Thông tư 48 còn câu chuyện khác, không liên quan gì tới mức thuế tính giá cơ sở xăng dầu. Thực tế, sau khi được Thủ tướng đồng ý, chỉ 3 ngày sau, trong lần điều chỉnh giá xăng dầu gần nhất (hôm 21/3), thuế nhập khẩu dùng tính giá cơ sở xăng dầu là mức thuế bình quân của các loại thuế nhập khẩu (thay vì dùng Biểu thuế MFN làm căn cứ như trước đó).

Trong khi đó, nhà nước ưu đãi cho một số dự án lọc hóa dầu trong nước những năm đầu hoạt động, sản phẩm bán ra sẽ được cộng thêm thuế nhập khẩu vào giá thành (dù không phải nộp thuế nhập khẩu). Theo đó, sản phẩm xăng dầu sẽ được bán bằng giá bán lẻ xăng dầu nhập khẩu. Với cơ chế này, sản phẩm xăng dầu của các nhà máy sẽ cao hơn sản phẩm xăng dầu nhập về từ các nước ASEAN và Hàn Quốc (từ năm 2016, các sản phẩm dầu nhập từ ASEAN được miễn thuế hoàn toàn; còn xăng nhập từ Hàn Quốc chỉ chịu thuế 10%, dầu chịu thuế 5%).

Chính vì vậy, mới đây các nhà máy lọc dầu trong nước đã có văn bản kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành giảm thuế nhập khẩu với xăng dầu. Qua đó để giảm giá bán (cũng là kéo giá bán xăng dầu của các nhà máy xuống), cạnh tranh với sản phẩm xăng dầu nhập khẩu từ ASEAN và Hàn Quốc. Vì vậy, việc giảm thuế nhập khẩu ưu đãi với mặt hàng xăng dầu đã được bàn thảo từ trước khi nóng câu chuyện thuế trong giá xăng dầu. Đây được xem là một trong những giải pháp nhằm hỗ trợ các dự án lọc hóa dầu trong nước, được ban hành đúng thời điểm người tiêu dùng “sục sôi” vì bị móc túi oan.

Tuy vậy, phương án giảm thuế nhập khẩu dầu về 7% từ ngày 18/3 của Bộ Tài chính mới chỉ giải quyết phần nào khó khăn cho nhà máy lọc dầu trong nước. Khi giá dầu bán ra vẫn cao hơn dầu nhập khẩu từ ASEAN (thuế về 0%) và Hàn Quốc (thuế về 5%); giá xăng bán ra của các nhà máy trong nước cũng đắt hơn xăng nhập khẩu từ Hàn Quốc (thuế về 10%).

Một lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu hôm 18/3 vừa qua nhằm nhiều mục đích. “Có cả vì lợi ích người tiêu dùng và doanh nghiệp. Đồng thời, cũng xét tới lợi ích và kiến nghị của các nhà máy lọc dầu trong nước”, vị này nói. Theo đó, giảm thuế nhập khẩu mới là giải pháp ban đầu tháo gỡ khó khăn cho nhà máy lọc dầu trong nước. Về lâu dài cần những giải pháp tổng thể hơn, hiện Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan đang nghiên cứu.

Theo Thông tư 48/2016, từ 18/3, mức thuế nhập khẩu dầu diesel (và diesel sinh học), dầu ma dút, xăng máy bay (và nhiên liệu động cơ máy bay) về mức 7% (giảm 3% so với mức thuế áp dụng từ ngày 1/1/2016); thuế nhập dầu hỏa về mức 7% (giảm 6%). Thuế nhập khẩu với các mặt hàng xăng vẫn giữ mức 20% hiện hành.


Báo Tiền Phong