Doanh nghiệp muốn thuê container phải đặt trước một tháng mà nhiều trường hợp vẫn không thuê được. Các doanh nghiệp gần như đang phải tranh nhau chỗ để đặt thuê container.
Theo báo cáo mới phát hành của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) tính đến ngày 1/7, chi phí vận chuyển container 40 feet (FEU) trung bình ở 8 tuyến đường biển chính của thế giới đã lên mức gần 8.400 USD, tăng hơn gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái và tăng đến 53,3% kể từ tuần đầu tiên của tháng 5/2021, tức tăng với tốc độ chưa từng thấy.
Giá cước vận chuyển container 40 feet đi từ Trung Quốc đến các cảng lớn ở châu Âu và Bờ Tây của nước Mỹ đã tiến sát mức 12.000 USD.
Riêng giá cước vận chuyển container từ cảng Thượng Hải, Trung Quốc đến cảng Rotterdam, Hà Lan đã lên mức 12.203 USD, tăng 567% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thậm chí, một số công ty cho biết họ bị tính giá đến 20.000 USD cho những hợp đồng ký kết vào phút cuối để kịp đưa hàng lên tàu.
Số liệu của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng cho thấy từ cuối tháng 11/2020, phí thuê container đi từ Việt Nam (cho cả cont hàng khô và hàng lạnh) đã tăng đột biến. Ở một số cảng, giá đã tăng gấp đôi tháng sau so với tháng trước và gần gấp 6 lần so với giá đầu năm 2020.
Cụ thể, giá vận chuyển container lạnh từ Việt Nam đi cảng Southampton (Anh) đầu năm 2020 là 1.600 USD/cont, đến tháng 5/2021 là 9.100 USD/cont
Giá vận chuyển container lạnh từ Việt Nam đi cảng Los Angeles (Mỹ) đầu năm 2020 là 1.800 USD/cont, đến tháng 5/2021 là 8.000 USD/cont
Giá vận chuyển container hàng khô từ Việt Nam đi Israel tháng 10/2020 mới chỉ là 2.300 USD/cont 20 feet (ft) thì tháng 3/2021 đã lên 6.300 USD/cont 20ft (hãng tàu Happloy, Evergreen) đến 7.000 USD/cont 20ft (hãng tàu Zim), thậm chí có hãng tàu còn báo cước phí lên đến 11.000 USD/cont 20ft.
Giá vận chuyển container hàng khô từ Việt Nam đi cảng Klaipeda (cảng biển duy nhất của Litva) thì trước đây chỉ là 2.100 - 2.300 USD/cont 20ft thì đến tháng 1/2021 đã lên đến 8.000 USD/cont 20ft.
Theo BVSC giá cước vận tải biển tăng là kết quả của hàng loạt sự “đứt gãy” khắp các chuỗi cung ứng, dẫn đến sự trì hoãn hoạt động ở các cảng và mạng lưới phân phối nội địa khi các công ty bán lẻ và nhà sản xuất ở phương Tây chạy đua bổ sung kho hàng đã cạn kiệt trong thời kỳ dịch bệnh.
Giá cước vận tải biển bắt đầu tăng kể từ mùa hè năm ngoái do nhu cầu của người tiêu dùng ở các nước phương Tây tăng mạnh nhờ chính phủ của họ nới lỏng lệnh phong tỏa.
Mặc dù giá thuê cao như vậy nhưng doanh nghiệp vẫn rất khó đặt được container do tình trạng được báo là thiếu container tại các cảng, các tuyến.
VASEP cho hay theo phản ánh của doanh nghiệp, trong tháng 12/2020 doanh nghiệp muốn thuê container phải đặt trước một tháng mà nhiều trường hợp vẫn không thuê được. Các doanh nghiệp gần như đang phải tranh nhau chỗ để đặt thuê container.
Thậm chí các doanh nghiệp đã có được booking container (đăng ký container) rồi nhưng do cước phí thuê tăng lên hàng ngày nên các hãng tàu sẵn sàng hủy booking của doanh nghiệp đó để chuyển cho doanh nghiệp khác nếu doanh nghiệp kia trả cước cao hơn. Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn sau vụ tắc nghẽn kênh đào Suez hồi cuối tháng 3/2021 và tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển.
Trong 5 tháng đầu năm 2021, có đến 695 tàu container đến các cảng ở Bờ Tây nước Mỹ chậm hơn một tuần so với bình thường. Trong giai đoạn 2012-2020, tức suốt 9 năm, chỉ có tổng cộng 1.535 tàu container đến chậm như vậy.
"Nhiều khả năng cước biển vận tải sẽ vẫn duy trì ở mức cao đến năm 2022 khi nền kinh tế thế giới đang được phục hồi mạnh mẽ sau khi dịch COVID 19 được kiểm soát sau khi tiêm vắc xin.
Tuy nhiên, việc chi phí vận tải biển ở mức cao cũng gây áp lực lên chi phí xuất khẩu hàng hóa khiến biên lợi nhuận các doanh nghiệp xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng. Đối với các doanh nghiệp nhập khẩu, chi phí nguyên vật liệu đầu vào cũng chịu áp lực giá cao hơn", báo cáo của BVSC nhận định.
Nguồn: http://vietnamexport.com/cuoc-van-chuyen-container-len-muc-12000-usd-kha-nang-keo-dai-den-nam-2022/vn2533367.html