icon icon icon
 

CHI PHÍ ĐẨY ĐÈ NẶNG LÊN LẠM PHÁT

2023-01-14 14:01:43

Giá lương thực phẩm ở mức thấp nên kéo lùi tốc độ tăng CPI tháng 6/2021

Chiều ngày 21/7 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức tọa đàm Công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô Quý 2 năm 2021 được thực hiện với sự hỗ trợ của Viện Konrad – Adenauer Stiftung (KAS) Việt Nam.    

Trong Quý 2/2021, bức tranh kinh tế toàn cầu cho thấy những điểm sáng do sự phục hồi mạnh mẽ của các nền kinh tế lớn như Mỹ và Trung Quốc, song nhóm nghiên cứu lo ngại, nhiều nguy cơ xảy ra do sự xuất hiện những biến thể mới của virus SARS-CoV-2. 

Chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2021 tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016, nhưng lại báo hiệu tổng cầu đang thu hẹp. Là động lực quan trọng của nền kinh tế, nhưng giải ngân vốn đầu tư công ì ạch, chỉ đạt 29% kế hoạch Chính phủ giao.

SỨC ÉP CHI PHÍ SẢN XUẤT GIA TĂNG
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, kể từ khi bùng phát dịch Covid-19 vào đầu năm 2020, các doanh nghiệp không những gặp khó khăn trong việc sản xuất khi các biện pháp giãn cách xã hội được thông qua nhằm khống chế đại dịch, mà còn phải đối mặt với sự gia tăng trong chi phí sản xuất.

Tính từ tháng 4/2020, giá hàng hóa, nguyên vật liệu thế giới tăng mạnh. Cụ thể tính đến tháng 6/2021, giá hàng hóa phi nhiên liệu, bao gồm nguyên vật liệu nông nghiệp thô và nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp, tăng 38,25% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp tăng 68,6% so với cùng kỳ và giá nguyên vật liệu nông nghiệp thô tăng 28,44%. Giá nhiên liệu tăng 108,28% chủ yếu do nguồn cung bị cắt giảm.

Mặt khác, giá thuê đất tại các khu công nghiệp đang tăng nhanh trong những năm qua. Cụ thể, giá thuê đất trong Quý 2/2021 trung bình tại các tỉnh phía Bắc là 107 USD/m2, tăng 8,1% so với cùng kỳ và tại các tỉnh phía Nam là 111 USD/ m2, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Thêm vào đó, giá cước vận tải biển vào cuối tháng 6/2021 đã tăng khoảng 4 – 8 lần so với cùng thời điểm năm 2020.

Tuy nhiên, theo PGS.TS. Phạm Thế Anh, Chuyên gia Kinh tế vĩ mô, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nông sản, thủy sản được mùa, tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản rất tốt. Vì vậy, giữ được giá hàng hóa lương thực, thực phẩm ở mức thấp. Hơn nữa, trong giỏ hàng hóa, mặt hàng này chiếm 40%, do vậy, kéo tốc độ tăng CPI tháng 6/2021 tăng 0,19% so với tháng trước, tăng 1,62% so với tháng 12/2020 và tăng 2,41% so với tháng 6/2020. Bình quân 6 tháng đầu năm 2021, CPI tăng 1,47% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

“Không nên chủ quan với CPI, lạm phát, nhưng không làm thái quá, cần ứng xử phù hợp. Bởi nếu thái quá sẽ ngay lập tức bóp nghẹt sản xuất kinh doanh, sẽ rất nguy hiểm”.

 TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV.


Dù vậy, các nhóm mặt hàng phi lương thực, thực phẩm như giao thông tăng 5,62%. Trong đó, giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh 10 đợt làm cho giá xăng tăng 17,01%; giá bán lẻ gas trong nước được điều chỉnh tăng 4 đợt và giảm 2 đợt, bình quân 6 tháng giá gas tăng 16,51%.

Theo ông Thế Anh, thực tế, số liệu Tổng cục Thống kê chưa phản ánh đủ giá xăng dầu khi dễ dàng quan sát, giá xăng dầu chỉ cùng kỳ năm trước dao động 13.000-14.000 đồng/lít, hiện tại lên đến hơn 20.000 đồng/lít.

Đồng tình quan điểm trên, theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, hiện lạm phát được kiểm soát tốt nhưng áp lực giá cả bên ngoài tăng. Chi phí về vận tải, logistics tăng kinh khủng, gấp 3-4 lần so với cùng kỳ năm trước, dự báo sẽ  gây ra nhiều bất lợi.

DOANH NGHIỆP SUY YẾU, ĐẦU TƯ CÔNG Ì ẠCH

Trong 6 tháng cuối năm, theo các chuyên gia, bất lợi cực kỳ lớn do tình hình kinh tế thế giới và biến thể Delta làm cuộc chiến chống đại dịch trở nên gian nan.

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính – Trường Đại học Kinh tế TP. HCM lưu ý, sức khỏe khu vực doanh nghiệp ngày càng suy yếu, kinh doanh ngày càng khó khăn.

 
"Sau một năm, những nguồn tích lũy, tiết kiệm của doanh nghiệp trong nhiều năm có còn bao nhiêu? Tôi cho rằng họ đang rất kiệt quệ. Đặc biệt trong tình hình diễn biến dịch khốc liệt hơn trước rất nhiều. Sự suy yếu của doanh nghiệp là yếu tố khó khăn rất lớn của nền kinh tế. Trụ cột nền kinh tế đang lung lay". - PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính – Trường Đại học Kinh tế TP. HCM.


So với năm 2021, sự nguy hiểm của biến chủng virus có những khác biệt. Đó là, tốc độ, khả năng lây lan của virus. Diễn biến dịch nặng nề, số lượng người mắc bệnh tăng lên khủng khiếp, đe dọa sự chịu đựng của hệ thống y tế.

Gần đây, dịch bệnh lần này tấn công vào trung tâm kinh tế sản xuất công nghiệp của các tỉnh thành, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng như Bắc Ninh, Bắc Giang.

Khi dịch bệnh vừa được đẩy lùi, dịch bệnh tấn công mạnh vào đầu tàu kinh tế cả nước và TP. HCM, địa phương chiếm một phần ba ngân sách cho cả nước. “Đầu kéo bị tấn công dữ dội, đoàn tàu sẽ chậm lại”, ông Bảo lo ngại.

Giả định hiệu lực vaccine 90%, cuối năm 2021, đầu năm 2022, tiêm chủng 70% dân số. Tuy nhiên, trong số đó, chỉ 10% những người tiêm đủ hai mũi, cộng với 30% dân số chưa được tiêm. "Nếu chúng ta tin rằng, nếu thực hiện được chiến lược vaccine, hoạt động kinh tế quay về trạng thái trước đây, là không thể. Trừ khi có thuốc đặc trị mới có thể tạo ra chiến lược tăng trưởng nền kinh tế", ông Bảo nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo, một trong những động lực của nền kinh tế là đầu tư công, sau 6 tháng, mới chỉ đạt 29% kế hoạch Chính phủ giao. Động lực tăng trưởng khác, là xuất khẩu chưa đạt được tốc độ tăng trưởng để ra, vì phụ thuộc vào các đối tác, một phần nhập siêu, vai trò xuất khẩu mở nhạt. FDI tiếp tục là khu vực đóng góp chính vào tăng trưởng thông qua xuất khẩu. Tiêu dùng nội địa, đầu tư tư nhân ảnh hưởng nghiêm trọng.

Lưu ý thêm, theo ông Cấn Văn Lực, về thu, chi ngân sách, báo cáo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cho thấy thu ngân sách phấn khởi, đâu đó đạt 58% so với kế hoạch, chi 42% kế hoạch. Rõ ràng, lần đầu tiên không thâm hụt, mà thặng dư ngân sách.

Tuy nhiên, theo ông Cấn Văn Lực, có hai điều quan ngại, thứ nhất, chi đầu tư phát triển chậm. Một phần do giải ngân đầu tư công chậm 29% kế hoạch. Thứ hai, thu ngân sách mặc dù đạt được kết quả tốt, tôi cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh, thu vẫn neo cao, là có vấn đề.

Ông Lực phân tích, thu chủ yếu thời gian vừa qua do giao dịch, kinh doanh chứng khoán. Các cá nhân mua bán với nhau, thuế thu nhập cá nhân từ chứng khoán ra tăng 5.600 tỷ đồng, giao dịch bất động sản sôi động, đất nền sốt, tăng nguồn thu thuế, phí bất động sản, tăng 8.600 tỷ đồng. Đây là những nguồn tăng thu ngân sách đột biến, không bền vững.

"Lạm phát 6 tháng đầu năm thấp, ổn, nhưng xu hướng lạm phát có thể gia tăng trong những tháng cuối năm, không nên chủ quan. Doanh nghiệp không thể chịu mãi để chi phí gia tăng mà giá sản phẩm không tăng. Khi giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng, doanh nghiệp sẽ chuyển chi phí đầu vào vào giá cả đầu ra. Một nguy cơ nữa, sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng do các biện pháp phòng chống dịch bệnh cực đoan, thái quá tại các địa phương, khiến tăng mạnh giá cả trong những tháng cuối năm".

PGS.TS. Phạm Thế Anh, Chuyên gia Kinh tế vĩ mô, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô trường Đại học Kinh tế Quốc dân

“Cần tìm kiếm động lực tăng trưởng bổ sung, thay thế. Thứ nhất, tận dụng cơ hội để xuất khẩu vào các thị trường sớm hồi phục. Thứ hai, giải ngân đầu tư công vô cùng quan trọng. Thứ ba, kinh tế tư nhân còn nhiều khó khăn, nhưng nếu kiểm soát dịch bệnh tốt, những hộ gia đình năng động sẽ trở lại sản xuất kinh doanh tương đối nhanh chóng. Đồng thời, phát triển kinh tế số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa”.

Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV.

Nguồn: https://vneconomy.vn/chi-phi-day-de-nang-len-lam-phat.htm