icon icon icon
 

CHÂU Á: SÂN KHẤU LỚN THU HÚT CẢ THẾ GIỚI TRONG TUẦN NÀY

2023-01-14 14:41:21

Ngoài các vấn đề về Triều Tiên, Tổng thống Trump được kỳ vọng sẽ giải quyết các thách thức tại thị trường số 1 thế giới là Trung Quốc. Phía Nhà Trắng đã từng nhiều lần chỉ trích Trung Quốc là nguyên nhân khiến cho hàng loạt công nhân Mỹ mất việc làm.

Rõ ràng, nhiệm vụ của Tổng thống Trump là vô cùng khó khăn. Chưa nói đến bất đồng quan điểm giữa các nền kinh tế lớn, việc Mỹ rút khỏi Hiệp định thương mại kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đã khiến các nước thành viên còn lại không thoải mái.


 
Nhật Bản

Có lẽ Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là người thực sự muốn siết chặt quan hệ với Tổng thống Trump hơn bao giờ hết. Ngoài việc cần Mỹ hỗ trợ trong an ninh quân sự, Nhật Bản cũng cần các thỏa thuận thương mại với nền kinh tế số 1 thế giới để thúc đẩy tăng trưởng trong nước.

Năm 2016, Mỹ có thâm hụt thương mại 69 tỷ USD với Nhật Bản, chỉ đứng thứ 2 sau Trung Quốc, và nguyên nhân chính là nước này nhập khẩu quá nhiều xe hơi cũng như thiết bị điện tử từ Nhật. Đầu năm nay, 2 quốc gia này đã có những đàm phán nhàm hạ nhiệt căng thẳng thương mại giữa 2 nước, liên quan đến hoạt động điều hành tiền tệ, hàng rào thuế quan nông nghiệp tại Nhật và thị trường xe hơi nhập khẩu ở Mỹ.


 
Mặc dù cuộc đàm phán đầu năm có một số hiệu quả nhất định nhưng theo hãng tin Bloomberg, Tổng thống Trump chắc chắn sẽ còn nhiều vấn đề cần phải bàn với Thủ tướng Abe. Hiện thuế suất nhập khẩu bò Mỹ vào Nhật đã bị nâng từ 38,5% lên 50% và chắc chắn phía Nhà Trắng không hài lòng với điều này.

Bên lề các hoạt động chính thức, giới truyền thông cho biết Thủ tướng Abe có thể sẽ mời Tổng thống Trump tham gia chơi golf tại Nhật.

Hàn Quốc

Trái ngược với quan hệ nồng ấm với Nhật Bản, Mỹ đang gặp nhiều khó khăn khi nói chuyện với Hàn Quốc. Sau khi đắc cử, Tổng thống Moon Jae In đã lên tiếng tìm kiếm giải pháp hòa bình với Triều Tiên trong tình hình căng thẳng leo thang, đồng thời xem xét lại việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại Hàn Quốc.

Trong khi đó, Tổng thống Trump đã từng kêu gọi xem xét lại hiệp định thương mại giữa 2 nước khi thâm hụt thương mại của Mỹ với Hàn Quốc lên tới 28 tỷ USD.


 
Chuyến thăm của Tổng thống Trump đến Hàn Quốc tới đây nhiều khả năng sẽ diễn ra trong nồng ấm bởi Mỹ cần thể hiện sự đoàn kết với đồng minh lâu năm của mình bất chấp những mâu thuẫn. Hiện Mỹ vẫn còn hơn 280.000 lĩnh Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc và mối quan hệ hợp tác an ninh giữa 2 nước là vô cùng khăng khít.

Bên cạnh những vấn đề về chính trị, phía Nhà Trắng cũng chỉ trích Hàn Quốc đã có các biện pháp bảo hộ làm giới hạn số lượng xe nhập khẩu tiêu chuẩn Mỹ xuống chỉ còn 25.000 chiếc/năm. Ngoài ra, phía Mỹ cũng đã nâng mức thuế đánh vào các mặt hàng ống khoan dầu, ống dẫn dầu từ Hàn Quốc do lo ngại ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nội địa.

Trung Quốc

Chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump đến Trung Quốc diễn ra ngay sau khi Đại hội Đảng tại nước này chấm dứt, qua đó khẳng định vị thế lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình. Hãng tin Bloomberg cho rằng 2 nhà lãnh đạo sẽ có rất nhiều vấn đề cần phải thảo luận với vị thế là 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Mặc dù có những tuyên bố cứng rắn với Trung Quốc trong chiến dịch tranh cử nhưng nhiều chuyên gia cho rằng Tổng thống Trump sẽ đi cùng với rất nhiều doanh nghiệp, mang theo những hợp đồng béo bở đến thị trường này.


 
Phía Trung Quốc đã từng tuyên bố chấp nhận mua gạo và khí đốt từ Mỹ trong dài hạn và rất có thể chính quyền Bắc Kinh sẽ mở cửa hơn nữa thị trường tài chính cũng như thiết bị điện tử cho công ty Mỹ sau chuyến thăm của Tổng thống Trump.

Ngoài ra, Tổng thống Trump nhiều khả năng sẽ hối thúc Trung Quốc mở cửa hơn nữa nền kinh tế, loại bỏ những chính sách hỗ trợ gây ảnh hưởng đến cạnh tranh với hàng Mỹ cũng như đề nghị chính phủ đối xử công bằng với các doanh nghiệp nước ngoài.

Về phía ngược lại, nhiều khả năng Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ đề nghị Tổng thống Trump gia nhập kế hoạch “Một vành đai Một con đường”, qua đó cho phép các công ty Trung Quốc tham gia các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại Mỹ. Hơn nữa, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ đề nghị Mỹ từ bỏ các nỗ lực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, vốn là chương trình được nhiều doanh nghiệp Mỹ gây sức ép lên chính phủ trong nhiều năm qua.

Việt Nam

 Mối quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Việt Nam chắc chắn sẽ được cải thiện kể cả khi nền kinh tế số 1 thế giới rút khỏi hiệp định TPP. Phía Việt Nam mong muốn thắt chặt quan hệ ngoại giao với Mỹ nhằm thúc đẩy mảng xuất khẩu cũng như giảm sự phụ thuộc vào các nước lớn khác.

Số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy Trung Quốc chiếm 21% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam năm 2016, cao gấp đôi so với 10 năm trước đây. Trong khi đó, Mỹ chỉ chiếm 13%.


 
Dẫu vậy, thăng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đã tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua và Việt Nam kỳ vọng Mỹ sẽ nới lỏng các rào cản thương mại cũng như ký kết nhiều thỏa thuận kinh tế lớn trong chuyến thăm của Tổng thống Trump. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Nhà Trắng vào tháng 6 mới đây, phía Việt Nam cũng đã mang theo nhiều bản hợp đồng kinh tế như vậy.

Philippines

Trong chuyến thăm của Tổng thống Trump đến Philippines lần này, Tổng thống Rodrigo Duterte mong muốn Nhà Trắng sẽ dừng chỉ trích chiến dịch chống ma túy gây nhiều tranh cãi của ông cũng như thắt chặt quan hệ kinh tế, quân sự giữa 2 nước. Hiện Mỹ là nhà đầu tư lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Philippines.


 
Mặc dù Philippines đã tăng cường mối quan hệ với Trung Quốc vào năm 2016 do Nhà Trắng có những phát ngôn chỉ trích cuộc chiến chống ma túy của nước này. Tuy nhiên Philippines đã cải thiện tình hình ngoại giao với Mỹ thời gian gần đây. Những thiết bị quân sự của Mỹ đã giúp đỡ Philippines rất nhiều trong chiến dịch chống IS tại thành phố Marawi gần đây.


Theo Thời Đại