Thị trường xuất khẩu năm 2022 tiếp tục mở rộng.
Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ đã tổ chức rà soát, phân tích đánh giá dung lượng thị trường tiềm năng cho xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam nhằm triển khai Kế hoạch xúc tiến xuất khẩu giai đoạn sau Covid-19.
THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU TIẾP TỤC MỞ RỘNG
Theo đó, 14 khu vực, thị trường xuất khẩu được coi là trọng điểm, đặc biệt các khu vực, thị trường là đối tác của Việt Nam trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) sẽ là động lực chính thúc đẩy các doanh nghiệp tăng cường khôi phục hoạt động xuất, nhập khẩu trong năm 2022.
Ngoài các Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và châu Âu (EVFTA), đầu năm 2022, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) bắt đầu có hiệu lực sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tại Việt Nam có thể tiếp cận và thúc đẩy xuất khẩu vào các thị trường khác… Quy mô thị trường xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022 sẽ tiếp tục phát triển rộng lớn hơn. Điều này sẽ đẩy kim ngạch xuất khẩu tăng 16 - 20% trong năm 2022.
Đáng chú ý, năm 2021, với EVFTA, Việt Nam xuất siêu vào châu Âu khoảng 21 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Năm 2022, EU tiếp tục được đánh giá là một trong những thị trường xuất khẩu vô cùng tiềm năng của Việt Nam.
Với 27 nước thành viên và dân số khoảng 516 triệu người, GDP bình quân mỗi người dân trên 35.000 USD/năm, theo Bộ Công Thương, các mặt hàng như cà phê, hạt điều, cao su, rau quả, hạt tiêu, gạo và chè tiếp tục sẽ là những mặt hàng đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng đối với thị trường EU và có tiềm năng tăng trưởng trong năm 2022. Đức, Italy, Tây Ban Nha và Bỉ tiếp tục là các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, có tiềm năng tăng trưởng trong năm 2022.
CPTPP là khối liên kết kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Nhật Bản (JEFTA) và EU, có phạm vi thị trường khoảng hơn 502 triệu dân, tổng GDP vượt trên 10 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và khoảng 14% tổng thương mại thế giới; với các thị trường lớn như Nhật Bản, Canada, Australia hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội khi chuỗi cung ứng mới hình thành.
Còn RCEP sẽ tạo thành một thị trường với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và GDP khoảng 26,2 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới xét về quy mô dân số. Hiệp định RCEP dự kiến sẽ giúp tạo lập một thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho Việt Nam.
Ngoài những thị trường có FTA với Việt Nam, Hoa Kỳ cũng được nhìn nhận là thị trường ngày càng tiềm năng khi tác động của CPTPP đối với việc phát triển thị trường xuất khẩu hàng hóa Việt Nam tại các nước thành viên thuộc khu vực châu Mỹ là rất lớn.
DOANH NGHIỆP CẦN TUÂN THỦ CÁC QUY ĐỊNH THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ
Khi tham gia vào các FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn từ các thị trường nhập khẩu rất cao. Ông Bartosz Cieleszynsky, Bí thư thứ nhất, Phó Ban Thương mại phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, cho biết năm 2021, năm đầu tiên thực hiện EVFTA, đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường châu Âu, đạt mức tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Đây là một phương tiện quan trọng giúp các nhà xuất khẩu hai bên vượt qua những trở ngại do sự bùng phát của đại dịch Covid-19, cũng như sự gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Thị trường với hơn 500 triệu dân của châu Âu có tiềm năng to lớn nhưng có những đòi hỏi khắt khe về tính tuân thủ hiệp định thương mại, tiêu chuẩn kỹ thuật... Các tiêu chuẩn của thị trường châu Âu rất cao, tuy nhiên người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm chất lượng.
“Châu Âu không phải là thị trường dành cho hàng hóa giá rẻ, do vậy các doanh nghiệp cần tìm hiểu thông tin trước khi tìm kiếm cơ hội làm ăn. Mục tiêu bền vững đã trở thành một yếu tố không thể thiếu trong chính sách thương mại ở châu Âu. Vì thế, các sản phẩm chất lượng, thân thiện với môi trường và đảm bảo được các yếu tố về xã hội, lao động… sẽ là cơ hội tốt cho doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường châu Âu. Các sản phẩm hữu cơ và thương mại công bằng đang đứng đầu sự lựa chọn của người tiêu dùng”, ông Bartosz Cieleszynsky nhấn mạnh.
Một vấn đề khác, yếu tố về số hóa trở thành xu hướng phổ biến đối với xuất khẩu và xúc tiến bán hàng trong bối cảnh hiện nay. Đại dịch Covid-19 đặt ra nhiều thách thức đối với hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội, trong đó doanh số bán hàng trực tuyến tăng cao.
Vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn và thích ứng với điều kiện bình thường mới để có thể biến thách thức thành cơ hội khi tìm hướng mở rộng thị trường xuất khẩu sang châu Âu.
Các FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, với các cam kết có tầm mức cao hơn và sâu hơn so với những hiệp định truyền thống, do đó, để xuất khẩu bền vững sang các thị trường này, nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần có sản phẩm tốt, giá tốt, đáp ứng được các tiêu chí về môi trường, xã hội, quản trị… tạo tiền đề cho việc quảng bá, chào hàng, ký hợp đồng trong dài hạn.
Mặt khác, doanh nghiệp cần chú trọng đến tính lâu dài, xây dựng mối quan hệ bền vững với đối tác, đó là, doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng được một lộ trình cung cấp sản phẩm trong dài hạn, đi cùng bạn hàng được xa hơn.
Ví dụ như với thị trường Anh, người tiêu dùng không cần sản phẩm rẻ nhất mà họ cần sản phẩm “tiền nào của nấy”. Người Anh sẵn sàng chi nhiều hơn cho một loại sản phẩm vì những lợi ích thực sự mà sản phẩm đó mang lại.
Hay với thị trường Hoa Kỳ, ông Dustin Daugherty, Giám đốc Phát triển kinh doanh Bắc Mỹ Dezan Shira & Associates cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam muốn đưa hàng hóa vào thị trường Hoa Kỳ và tận dụng ưu đãi không dễ dàng.
Vì không chỉ vận chuyển hàng hóa đến Mexico, Canada… sẽ được nhận ưu đãi thuế ngay, mà thị trường Hoa Kỳ quy định với các mặt hàng rất cụ thể, không đơn giản chỉ đóng gói mặt hàng mà phải tạo giá trị gia tăng thì mới xuất vào Hoa Kỳ để được hưởng ưu đãi. Vì vậy, doanh nghiệp phải phân tích kỹ lưỡng về quy tắc xuất xứ, xác định mức độ khó khăn và giá trị thu lời sau chi phí…
Các FTA là bước đệm vĩ mô khá tốt cho xuất khẩu của Việt Nam, song bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp, Chính phủ cần tạo thuận lợi về các thủ tục hành chính trong xuất, nhập khẩu. Các quy định cần rõ ràng, minh bạch, thuận tiện… tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển xuất khẩu.
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam, cho rằng thương mại toàn cầu đang phục hồi mạnh mẽ, tương đối nhanh so với cuộc khủng hoảng năm 2009. Xu hướng trước đại dịch dự kiến sẽ bắt kịp vào cuối năm 2022. Sự phục hồi về nhu cầu thị trường và khởi sắc trong chuỗi giá trị toàn cầu, khu vực đem lại nhiều cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần khắc phục những thách thức để giảm chi phí thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tích hợp vào chuỗi cung ứng, hướng tới khả năng phục hồi.
Nguồn: Song Hà (https://vneconomy.vn/can-chien-luoc-xuat-khau-duong-dai-o-cac-thi-truong-fta.htm)