Ngày hôm qua, thị trường dành nhiều sự quan tâm đến nhóm năng lượng với việc giá dầu lấy lại sắc xanh ngay sau khi báo cáo thị trường dầu tháng 9 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA được công bố. Cụ thể, giá dầu WTI tăng 1,34% lên 88,48 USD/thùng trong khi dầu Brent tăng 1% lên 94,1 USD/thùng.
Theo đó, IEA đã giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2023 sẽ đạt mức 2,1 triệu thùng/ngày. Cơ quan Năng lượng Quốc tế kỳ vọng, nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ đạt 99,7 triệu thùng/ngày trong 2022 và 101,8 triệu thùng/ngày trong năm 2023.
Cùng với đó, báo cáo thị trường dầu hàng tuần của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ EIA cho thấy tồn kho dầu thương mại tăng 2,4 triệu thùng trong tuần vừa qua. Xuất khẩu dầu của Mỹ tiếp tục duy trì ở mức trên 6,3 triệu thùng/ngày, trong khi nhập khẩu giảm do nhu cầu lái xe sẽ giảm dần khi mùa hè kết thúc. Tuy nhiên, nếu không tính đến dầu giải phóng từ kho dự trữ SPR, tồn kho thực tế sẽ giảm đến 6 triệu thùng; và với việc Mỹ sẽ chấm dứt giải phóng dầu SPR trong tháng 10, đồng thời phải triển khai bổ sung dầu trở lại vào kho, giá dầu sẽ còn khả năng duy trì ở mức cao trong các tháng còn lại năm nay.
Ở chiều ngược lại, mới đây Ả Rập Xê Út cho biết, sản lượng dầu thô trong tháng 08 của nước này đã vượt mức 11 triệu thùng/ngày, tăng 236 nghìn thùng so với tháng trước. Trước đó, sản lượng dầu của Ả rập Xê Út chỉ mới có 2 lần vượt mốc này là vào tháng 11/2018 và tháng 4/2020. Thông tin này đã phần nào làm hạn chế đà tăng của giá dầu.
Một diễn biến khác đáng chú ý trên thị trường năng lượng, giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 10 trên Sở NYMEX tăng vọt hơn 10% trong ngày hôm qua, lên mức 9,11 USD/ triệu đơn vị nhiệt Anh. Theo MXV, Các quốc gia thuộc EU đang phải gồng mình gánh chịu mức chi phí năng lượng gia tăng phi mã. Hiện giá khí tự nhiên tại châu Âu đã hạ nhiệt từ cuối tháng 6, tuy nhiên giá vẫn đang cao hơn khoảng 170% so với hồi đầu năm, và đang có dấu hiệu tăng trở lại.
Mặc dù các quốc gia châu Âu đang tìm cách giảm thiểu những tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng lên đời sống của người dân, tuy nhiên nhiều khảo sát cho thấy tình trạng thiếu khí đốt mùa đông sẽ kéo dài ít nhất cho đến năm 2025.
Nguồn: Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) - https://mxv.com.vn/tin-tuc/ban-tin-tckd-ngay-15092022-khi-tu-nhien-tang-vot-10-gia-dau-lay-lai-sac-xanh-n3446.html