Chưa bán xong đã lo tan thương hiệu
Còn ít ngày nữa là kết thúc năm 2017, song danh sách các doanh nghiệp nhà nước bán vốn, cổ phần hóa với quy mô lớn vẫn còn khá dài. Cách đây ít ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ ký quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa tại một loạt công ty con của PVN, trong đó có Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), nhà cung cấp điện lớn thứ hai tại Việt Nam với vốn điều lệ lên đến 21.774 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 33.550 tỷ đồng.
Theo phương án được đưa ra, PVN chỉ còn nắm giữ 51% vốn điều lệ. Số cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược chiếm gần 29%. Nếu tính từ đầu năm đến nay, kế hoạch cổ phần hóa của PV Power đã thay đổi rất nhiều. Trong một kế hoạch công bố vào tháng 4/2017, PV Power cho biết, dự kiến bán 4% số cổ phiếu cho công chúng và người lao động, bán 45% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, và thu về 600-700 triệu USD.
Một thương vụ bán vốn đình đám khác thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư chính là việc bán cổ phần tại Sabeco, doanh nghiệp lớn nhất ngành rượu bia Việt Nam vào ngày 18/12 tới đây, số lượng cổ phần chào bán lên tới hơn 343 triệu cổ phần. Số tiền dự kiến sẽ thu về cho nhà nước qua thương vụ này, nếu bán được hết, lên tới gần 110 nghìn tỷ đồng.
Dù việc mua bán chưa diễn ra nhưng đã xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng, việc mua cổ phần của Sabeco chắc chắn giúp các nhà sản xuất bia có tên tuổi của nước ngoài nhanh chóng mở rộng thị phần tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia, việc bán vốn tại Sabeco sẽ đối mặt tình trạng thị trường bị thâu tóm. Lý do là các tỷ phú nước ngoài khi sẵn sàng chi ra hàng tỷ USD thì họ không chỉ thuần túy thâu tóm một doanh nghiệp, một vài doanh nghiệp mà là thâu tóm một thị trường, khống chế một thị trường, chi phối các hệ thống phân phối như trong lĩnh vực bán lẻ, bánh kẹo... Trong thực tế, rất nhiều ngành kinh doanh của Việt Nam đã rơi vào tay các nhà đầu tư nước ngoài và nguy cơ các thương hiệu Việt tầm vóc quốc gia sẽ còn tiếp tục biến mất ngày càng rõ nét khi mà yêu cầu thoái vốn bức thiết.
Cần phá “vòng kim cô” của Nghị định 91
Chia sẻ về những bế tắc của việc thoái vốn, cổ phần hóa DNNN tại hội thảo do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức mới đây, ông Tony Foster, Luật sư điều hành hãng luật Freshfields Bruckhaus Deringer LLP (có văn phòng tại Việt Nam) cho rằng, cần giải quyết nhiều điểm nút trong cổ phần hóa và thoái vốn thì mới mong thúc đẩy được tiến trình.
Lý giải việc hàng loạt thương hiệu lớn của nhà nước (như MobiFone, PV Oil, Vinachem, Lọc hóa dầu Bình Sơn, Vietcombank, Habeco, Vinamilk) chật vật nhiều năm không bán được vốn, theo ông Tony Foster, xuất phát từ những khác biệt quan trọng trong quản trị. Theo đó, các giao dịch bán cổ phần chiến lược của các DNNN không hiệu quả vì giá bán thường quá cao, chưa kể tỷ lệ chào bán nhỏ trong khi quy trình bán bị đánh giá không minh bạch. Đi kèm đó là tài sản và các quyền chưa rõ ràng. Trong đó, trở ngại lớn nhất trong các giao dịch thoái vốn nhà nước chính là quy định về thỏa thuận giá bán của Nghị định 9/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp.
“Các nhà đầu tư chiến lược thường kỳ vọng sẽ mua được số lượng cổ phần lớn để có tiếng nói quyết định tại DN mà họ bỏ vốn đầu tư. Tuy nhiên, Nghị định 91 lại có những điều khoản hạn chế, ràng buộc về chuyển nhượng cổ phần. Những điểm quan trọng khác như giá niêm yết cao, khối lượng bán ít… chỉ phù hợp với những nhà đầu tư tài chính ngắn hạn”, ông Tony Foster phân tích.
PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, nếu đánh giá về mặt số lượng thì thành tích hơn 530 DN được cổ phần hóa trong 5 năm qua là con số không tồi. Tuy nhiên, thành tích này lại không phản ánh đầy đủ và chân thực bức tranh cổ phần hóa, thoái vốn nhìn từ góc độ tái cơ cấu nền kinh tế. “Với tỷ lệ nắm giữ 8% vốn nhờ cổ phần hóa, các DN tư nhân trên thực tế bị loại khỏi quyền tham gia điều hành chứ chưa nói đến quyền chi phối DN. Đó là lý do giải thích vì sao DN tư nhân ít mặn mà với việc mua DNNN. Sự sôi động của quá trình cổ phần hóa thực chất chỉ nhờ các hoạt động đầu cơ mang tính trục lợi đối với tài sản DNNN được bán ra do việc định giá lỏng lẻo có chủ đích”, ông Thiên phân tích.
Về lo ngại mất thương hiệu nội sau khi bán vốn, dẫn câu chuyện cổ phần hóa một trong những ông lớn ngành bia rượu của Việt Nam là Sabeco, Cục trưởng Cục Công nghiệp Bộ Công Thương ông Trương Thanh Hoài cho rằng, một trong những điều khiến các nhà đầu tư phải “nát óc” khi tính toán bỏ vốn đầu tư vào Sabeco chính là tỷ lệ sở hữu và vốn đầu tư bị đẩy lên quá cao trong thời gian qua. Với mức giá chốt 320.000 đồng/cổ phần của Sabeco, nhà đầu tư phải bỏ ít nhất với số tiền hơn 6 tỷ đồng để có thể “đặt chân” mua “gói tối thiểu” 20.000 cổ phần vốn nhà nước tại tổng công ty được mệnh danh “con gà đẻ trứng vàng” ngành bia rượu. Còn nhà đầu tư nước ngoài muốn sở hữu tới 247.470.409 cổ phần vốn nhà nước (tương ứng 38,59% vốn điều lệ của Sabeco), số tiền cần và đủ lên tới xấp xỉ 80 nghìn tỷ đồng. Đây là số tiền khổng lồ với bất cứ một tập đoàn tài chính nào.
“Lợi nhuận mỗi năm của Sabeco ước chừng hơn 4.000 tỷ đồng. Số tiền bỏ ra để sở hữu Sabeco là quá lớn nên nhà đầu tư sẽ phải tính toán rất kỹ lưỡng. Nhiều chuyên gia dự đoán, việc bán vốn nhà nước tại Sabeco nếu đạt trên 10% cũng đã là thành công".
Ông Trương Thanh Hoài,Cục trưởng Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương
Tiền Phong